Diễn biến dịch COVID-19 tới 6h ngày 21/3: 11.366 ca tử vong, Italy 627 người chết trong 24h

Italy đã huy động quân đội hỗ trợ phong tỏa sau khi số ca tử vong do COVID-19 vọt lên mức kỷ lục 627 người trong một ngày. Toàn bộ 50 bang của Mỹ đã có gần 19.000 người mắc bệnh, 1/5 dân số nhận chỉ thị ở yên trong nhà.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân khỏi bệnh viện Emile Muller ở Mulhouse, miền Đông Pháp trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, ngày 17/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 24 giờ qua, số người tử vong do dịch COVID-19 trên toàn cầu đã tăng lên 11.366 ca và gần 274.643 ca nhiễm bệnh. Theo trang thống kê dữ liệu trực tiếp toàn cầu Worldometers, hầu hết các ca tử vong trên thế giới tập trung ở châu Âu, với 6.085 ca (cao gần gấp đôi số người tử vong tại quốc gia khởi phát dịch là Trung Quốc, với 3.248 ca). Italy là nước có số ca tử vong cao nhất thế giới lên tới 4.032 ca.

Châu Âu chìm trong cơn bão dịch

Sau khi vượt qua Trung Quốc về số ca tử vong do COVID-19 trong ngày 19/3, trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới tại Italy lại vọt lên thêm gần 6.000 người, tăng lên 47.021 ca, với 4.032 ca tử vong (trong khi Trung Quốc chỉ có thêm 39 ca nhiễm mới đều do "nhập khẩu virus"). Quân đội Italy đã được huy động hỗ trợ lệnh phong tỏa sau khi giới chức thông báo có thêm 627 bệnh nhân tử vong trong vòng 24 giờ qua. Đây là con số tử vong vì COVID-19 cao nhất trong một ngày của một quốc gia trên thế giới.

Những cảnh tượng đau lòng đang diễn ra ở miền Bắc đất nước, đặc biệt là vùng Lombardy nơi các bệnh viện vật lộn để điều trị cho trên 20.000 ca nhiễm bệnh. Theo CNN, các chuyên gia y tế Trung Quốc hỗ trợ Italy đối phó với cuộc khủng hoảng cho biết lệnh giới hạn tại Lombardy vẫn "chưa đủ nghiêm". Hiện tại, Thống đốc vùng Lombardy Attilio Fontana đã đồng ý huy động quân đội hỗ trợ lệnh phong tỏa. Daniela Confalnieri, một y tá tại Milan cho Reuters hay "chúng tôi không thể kiểm soát được tình hình ở Lombardy, tỉ lệ lây nhiễm rất cao, chúng tôi thậm chí không đếm được người chết nữa". Trong lúc nguồn lực y tế của Italy đang thiếu thốn nghiêm trọng, có tới 3.654 nhân viên y tế nước này đã lây nhiễm bệnh và 17 bác sĩ đã tử vong vì COVID-19, theo thông báo của Viện Y tế quốc gia Italy.

Hỗ trợ Italy chống dịch, một đoàn chuyên gia Cuba gồm 53 bác sĩ, y tá hôm nay 21/3 sẽ có mặt tại "điểm nóng" Lombardy. Đây là nhóm chuyên gia có trình độ chuyên môn cao từng tham gia chống bệnh dịch Ebola và có kinh nghiệm ứng phó với những loại dịch bệnh tương tự.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 được đưa vào bệnh viện ở Rome, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Tây Ban Nha trở thành "điểm nóng" dịch thứ hai ở châu Âu sau Italy, với 21.512 ca nhiễm, tăng 3.433 ca trong 24 giờ qua, và 261 ca tử vong. Trong khi đó, số ca nhiễm bệnh tại Đức hiện đứng thứ ba châu Âu với 19.848 ca, và  bệnh nhân đã tử vong. Pháp cũng công bố thêm 78 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại quốc gia này lên 450 ca và 12.612 ca nhiễm bệnh, tăng 1.617 ca chỉ trong một ngày.  Ngày 20/3, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết nước này sẽ triển khai tàu sân bay chở trực thăng để đưa những bệnh nhân COVID-19 từ đảo Corsica tới các bệnh viện ở miền Đông Nam nước này.

Trong khi đó, tại Anh đang xuất hiện lo ngại nước này trở thành một "Italy thứ hai" về số ca tử vong do COVID-19 trong những ngày tới.  Chỉ trong vòng một ngày, vùng England ghi nhận thêm 39 ca tử vong, mức tăng lớn nhất trong một ngày, nâng tổng ca tử vong lên 177 ca. Như vậy Anh đang chứng kiến tỷ lệ tử vong có mức tăng tới 50% mỗi ngày, trong khi mức tăng số ca tử vong tại Italy đã giảm xuống dưới 20%. Mức tăng này tại Tây Ban Nha là 49% những ngày gần đây. Ngoài ra, trong tuần này, số ca nhiễm COVID-19 tại Anh tăng 480%, tại Pháp là 300% và tại Đức là 550%. 

Chú thích ảnh
 Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi lưu thông trên tàu điện ngầm ở London, Anh ngày 18/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong ngày 20/3, Nghị viện châu Âu đã ghi nhận ca dương tính đầu tiên là nghị sĩ người Ba Lan  Adam Jarubas. Ông Jarubas đã tham dự phiên họp toàn thể của Nghị viện lần cuối vào ngày 9 và 10/3 tại Brussels, trước khi bay trở lại Ba Lan vào ngày hôm sau. Nghị viện châu Âu sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt vào tuần tới để thông qua các biện pháp khẩn cấp do Ủy ban châu Âu đề xuất về đại dịch COVID-19.

Mỹ: 1/5 dân số bị cách ly

Trong 24h qua, nước Mỹ ghi nhận thêm 5.056 ca nhiễm mới - một kỷ lục mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 18.845 ca và 237 bệnh nhân đã tử vong. Thống đốc bang New York, tiểu bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại Mỹ, ngày 20/3 đã ra chỉ thị yêu cầu toàn bộ các doanh nghiệp không thiết yếu phải đóng cửa và toàn bộ lực lượng lao động không thiết yếu phải ở yên trong nhà. Thống đốc New York Andrew Cuomo cũng đề nghị bất cứ ai đang sở hữu máy thở có thể bán hoặc cho bang mượn. "Chúng tôi cần những máy thở này. Máy thở trong cuộc chiến này giống như tên lửa trong Thế chiến II", ông Cuomo nhấn mạnh. Tiểu bang Illinois với 13 triệu dân, bang Connecticut và một loạt thành phố ở Mỹ như New Orleans, Chicago, Los Angeles cũng ra yêu cầu tương tự.  

Chỉ thị nói trên được đưa một ngày sau khi Thống đốc bang California tuyên bố phong tỏa toàn tiểu bang gần 40 triệu dân. Các biện pháp mà những bang đông dân bậc nhất Mỹ tiến hành đồng nghĩa 1/5 dân số Mỹ hiện đang bị cách ly tự nguyện tại nhà do dịch COVID-19. Theo đài CNN, Mỹ đã tiến hành xét nghiệm cho gần 170.000 người và tỉ lệ dương tính khoảng 9-11%. Thống kê được CNN dẫn cho thấy tỉ lệ giường bệnh /1.000 dân của Mỹ là 2,8, thấp hơn Italy với 3,2 giường/1.000 dân, điều này gây lo ngại về khả năng đối phó dịch tại Mỹ khi xảy ra lây nhiễm lớn.

Tuy vậy, Tổng thống Donald Trump cho rằng một lệnh phong tỏa toàn quốc lúc này là chưa cần thiết. Ông Trump tuyên bố sẵn sàng kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng trong trường hợp xấu nhất. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong khi đó thông báo một thành viên Văn phòng Phó Tổng thống đã dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng cả Tổng thống Trump và bản thân ông đều không tiếp xúc gần với người này.

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump trong cuộc họp báo hàng ngày về tình hình dịch COVID ngày 19/3 tại Nhà Trắng. Ảnh: AP

Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp COVID-19 tiếp tục lây lan, ngày 20/3 (theo giờ VN), lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, ông Mitch McConnell đã đề xuất gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 1.000 tỷ USD nhằm ngăn chặn nguy cơ bất ổn kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19. Dự luật do đảng Cộng hòa đề xuất sẽ được các Thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ xem xét trước khi Thượng viện ấn định thời điểm đưa ra bỏ phiếu. Cùng ngày, truyền thông Mỹ đưa tin Nhà Trắng đang cân nhắc việc phát hành trái phiếu dài hạn để cấp ngân sách cho gói kích thích tài chính trị giá 1.300 tỷ USD được đề xuất nhằm đối phó với dịch COVID-19.  

Trong khi đó, các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ chốt phiên giao dịch ngày 20/3 tiếp tục mất điểm, trở về thời điểm tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính như hồi năm 2008. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 4,6%, xuống mức 19.173,98 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,3% xuống còn 2.304,92 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 3,8% xuống còn 6.875,52 điểm. 

Iran kêu gọi Mỹ dỡ bỏ cấm vận khi số ca tử vong cao kỷ lục

Ngày 20/3, giới chức Iran thông báo ghi nhận thêm 1.237 ca mắc COVID-19 mới và 149 ca tử vong ở nước này. Đây là ngày số ca tử vong tăng cao kỷ lục tại quốc gia Trung Đông này. Tính đến 6h sáng 21/3, quốc gia Trung Đông này đã có 19.644 ca bệnh và 1.433 trường hợp tử vong. 

Rạng sáng 21/3 (theo giờ VN), Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei đã phát biểu trực tiếp trên truyền hình nhân dịp Năm mới của Iran, tuyên bố những lệnh trừng phạt của Mỹ đã buộc Tehran phải tìm kiếm những giải pháp thay thế, đảm bảo tự cung tự cấp. Trước đó, ngày 20/3, phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tác động yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống nước này lập tức để Tehran có thể nhập khẩu thuốc và các thiết bị y tế cần thiết cho cuộc chiến chống đại dịch. Phái đoàn Iran tại LHQ cho rằng các lệnh trừng phạt "vô nhân đạo và bất hợp pháp" của Mỹ đang cản trở những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 sang các quốc gia khác và gây hại cho sức khỏe và cuộc sống của người Iran.

Hàn Quốc phát hiện ổ dịch mới tại Daegu

Ngày 20/3, giới chức Hàn Quốc thông báo về ổ dịch mới tại tỉnh Daegu - tâm dịch COVID-19 ở nước này. Ổ dịch mới đã được phát hiện tại một viện điều dưỡng. Trong 3 ngày qua, tổng cộng 57 người, bao gồm nhân viên y tế và bệnh nhân tại viện này, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện chưa rõ nguồn lây nhiễm virus tại đây. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc ngày 18/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, Cơ quan Quản lý và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đã công bố báo cáo mới nhất về tình hình dịch COVID-19 tại Hàn Quốc, cho biết số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở nước này đã lên tới 102 người, hầu hết là người lớn tuổi. Tổng số ca mắc COVID-19 tại xứ Hàn hiện là 8.653 ca, trong đó 70% các ca nhiễm tập trung tại Daegu. Có khoảng 10% bệnh nhân là người già trên 80 tuổi với tỷ lệ tử vong là 1,09%. 

Nga áp dụng chế độ cảnh báo cao trên toàn lãnh thổ

Tại Liên bang Nga, từ ngày 20/3, chế độ cảnh báo cao do dịch COVID-19 đã bắt đầu được triển khai trên tất cả 85 khu vực, tức là toàn bộ lãnh thổ nước này. Trong 24 giờ qua, Nga đã phát hiện thêm 54 ca nhiễm virus SARS-COV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh lên tới 253 người.

Cùng ngày, Cơ quan Giám sát và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nga (Rospotrebnadzor) thông báo bắt đầu thử nghiệm các mẫu vaccine chống virus SARS-CoV-2. Các nguyên mẫu vaccine đã được sản xuất trong thời gian ngắn nhất, dựa trên 6 nền tảng công nghệ khác nhau.

Chú thích ảnh
Khử trùng nhằm ngăn ngừa dịch COVID-19 trên xe điện ở Saint Petersburg, Nga ngày 19/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Indonesia ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô

Indonesia đang đứng trước nguy cơ trở thành "điểm nóng" dịch bệnh tại Đông Nam Á khi nước này ghi nhận số ca mắc bệnh tăng nhanh chỉ trong một thời gian ngắn. Tổng thống Joko Widodo ngày 20/3 ra lệnh cho Lực lượng đặc nhiệm chống dịch COVID-19 và các cơ quan liên quan tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Jakarta. Việc một sự kiện tôn giáo tập trung hàng nghìn người vẫn tiếp tục được tổ chức bất chấp yêu cầu hạn chế tụ tập đông người của chính phủ đang khiến tình hình trở nên phức tạp. Đến nay, Indonesia ghi nhận thêm 60 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 32 ca tử vong do virus này, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 369 ca.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 trong khi cầu nguyện tại một nhà thờ Hồi giáo ở Surabaya, Đông Java, Indonesia ngày 20/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, ngày 20/3, Malaysia ghi nhận thêm 1 ca tử vong vì COVID và số người nhiễm bệnh đã vượt qua ngưỡng 1.000, lên mức 1030 ca, cao nhất ở Đông Nam Á. Trường hợp tử vong mới nhất là một người đàn ông 58 tuổi đã tham dự buổi lễ Hồi giáo lớn do giáo phái Tabligh tổ chức từ cuối tháng 2 tại một thánh đường ở ngoại ô Kuala Lumpur. Theo Reuters, trong số 130 ca nhiễm mới ngày 20/3, có 48 trường hợp liên quan đến lễ hội Hồi giáo này, sự kiện đã thu hút 16.000 người tham gia, bao gồm cả người Singapore, Brunei, Campuchia.

Tại Singapore, ngày 20/3, "quốc đảo Sư tử" đã ghi nhận thêm 40 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, chủ yếu các các ca lây nhiễm từ Anh. Đến nay, Singapore ghi nhận tổng cộng 5 ca nhiễm SARS-CoV-2 và chưa có ca tử vong. Bộ Y tế Singapore yêu cầu hủy mọi sự kiện tập trung trên 250 người, những sự kiện ít người hơn phải đảm bảo khoảng cách ít nhất 1 mét giữa những người tham gia.

Chú thích ảnh
Khách hàng đi siêu thị ở Singapore cũng phải giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét. Ảnh: Straitstime

Trước đó, nhà chức trách Singapore cho biết nước này không có kế hoạch phong tỏa toàn quốc nhưng cũng không loại trừ biện pháp này.

Tại Thái Lan, trong ngày 20/3 đã có thêm 50 ca nhiễm mới nâng tổng số ca COVID-19 lên 322 người và 1 trường hợp tử vong. Cùng ngày, Bộ Nội vụ Thái Lan yêu cầu mỗi tỉnh có đường biên giới chỉ được duy trì duy nhất một cửa khẩu quốc tế và thực hiện các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt. Bộ trưởng Nội vụ Anupong Paojinda cho phép các tỉnh trưởng toàn quyền phong tỏa tỉnh bằng việc đóng cửa toàn bộ các cửa khẩu nếu nhận thấy tình hình dịch diễn biến xấu.

Chú thích ảnh
Đo thân nhiệt phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại tỉnh Narathiwat, biên giới Thái Lan- Malaysia, ngày 15/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, Thái Lan đã siết chặt các yêu cầu nhập cảnh với người nước ngoài, theo đó kể từ ngày 22/3 nước này đòi hỏi mỗi người nhập cảnh cần phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng tối đa 72 giờ trước khi khởi hành, cộng với bảo hiểm y tế toàn diện ít nhất 100.000 USD.

Tại Campuchia, trong ngày 20/3 ghi nhận thêm 10 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm lên 47. Đáng chú ý nhiều bệnh nhân mới phát hiện nằm trong số những người Campuchia trở về sau khi tham dự lễ hội tôn giáo ở Malaysia. Philippines xác nhận có thêm 13 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 230 người, trong đó 18 ca đã tử vong.

Chú thích ảnh
Bệnh viện Khampongcham nơi các bệnh nhân COVID-19 đang được cách ly ở Campuchia. 

Hiện tốc độ lây lan dịch bệnh tại châu Phi vẫn chậm hơn so với các khu vực khác trên thế giới nhưng Liên hợp quốc cảnh báo các quốc gia khu vực này vẫn phải luôn nâng cao cảnh giác do lo ngại một khi dịch bệnh lây lan nhanh, các hệ thống chăm sóc y tế yếu kém tại khu vực này sẽ không thể chống đỡ.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo nếu không có sự kiểm soát kịp thời, hàng triệu người có thể tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại những nước nghèo. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp toàn cầu ứng phó với "thảm họa y tế", kêu gọi các nước cần ngừng áp dụng chiến lược y tế riêng và khẳng định đoàn kết toàn cầu không chỉ là một đòi hỏi cấp thiết mang tính đạo đức mà còn vì lợi ích của người dân.

Chú thích ảnh
Nhân viên kiểm tra bộ kit xét nghiệm virus Corona tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, ngày 4/3. Ảnh: THX/TTXVN

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Các công ty toàn cầu vào cuộc sản xuất máy thở cứu bệnh nhân COVID-19
Các công ty toàn cầu vào cuộc sản xuất máy thở cứu bệnh nhân COVID-19

Các nhà máy sản xuất ô tô đóng cửa, nhưng Nghiệp đoàn Công nhân ô tô Mỹ cho biết hầu hết thành viên của họ sẽ trở lại làm việc để chuyển sang sản xuất máy thở giữa đại dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN