Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 13/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 1.849.473 trường hợp, trong đó số ca tử vong là 114.053 người. Trong vòng 24h vừa qua, đã có thêm 5.274 người thiệt mạng vì bệnh COVID-19 và 69.631 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Đến nay, đại dịch COVID-19 đã tấn công 209 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 422.558 bệnh nhân COVID được điều trị khỏi bệnh, trong khi vẫn còn tới 50.762 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Mỹ và Anh là hai nước có số ca mắc bệnh và tử vong mới cao nhất thế giới trong vòng 24h qua.
Tại Mỹ, nước này ghi nhận ngày 12/4 có thêm 1.414 ca tử vong mới, nâng tổng số lên 21.991. Đây là ngày thứ tư liên tiếp Mỹ chứng kiến số ca tử vong trong ngày ở mức trên 1.000 người. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Mỹ là 558.447, tăng 25.5 trường hợp so với một ngày trước đó. Mỹ tiếp tục là quốc gia dẫn đầu thế giới cả về số ca tử vong và ca mắc bệnh COVID-19.
Bang New York, tâm dịch của “xứ sở cờ hoa”, trong 24h qua ghi nhận 758 ca tử vong vì COVID-19, giảm 25 ca so với ngày trước đó, nâng tổng số ca tử vong tại tiểu bang này tính đến sáng 13/4 là 9.5 ca (chiếm gần 48% số người thiệt mạng trên toàn quốc).
Tại cuộc họp báo cập nhật tình hình chống dịch ngày 12/4, Thống đốc bang Andrew Cuomo nhận định rằng mức độ lây lan của đại dịch đã có dấu hiệu chậm lại ở bang New York. Tuy nhiên, ông cũng chỉ trích chính quyền liên bang trong việc ứng phó với dịch vì cho rằng tiền cứu trợ đã được phân bổ không phù hợp khi mà nhiều bang không bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch lại nhận được khoản cứu trợ quá lớn.
Trước đó, trong buổi họp báo riêng cùng ngày, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cho biết đã có những tín hiệu khích lệ trong cuộc chiến chống dịch tuần vừa qua với số người cần phải được trợ giúp bằng máy thở tiếp tục giảm. Ông Cuomo nêu rõ kể từ ngày 13/4, tất cả những người làm việc tại thành phố New York có tiếp xúc với người dân phải đeo khẩu trang.
Dù COVID-19 có dấu hiệu chững lại ở tâm dịch New York, song trên toàn liên bang tình hình vẫn diễn biến xấu, khiến giới chức chính quyền phải cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn nếu nước Mỹ sớm chấm dứt các biện pháp giãn cách xã hội. Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Fox News, lãnh đạo cơ quan phụ trách y tế cộng đồng Mỹ Jerome Adams cho biết đa phần các khu vực tại Mỹ chưa sẵn sàng cho việc mở cửa kinh tế trở lại vào ngày 1/5.
Cùng ngày tại Anh, Bộ Y tế nước này thông báo số người tử vong do virus SARS-CoV-2 của “xứ sở sương mù” đã vượt mốc 10.000 người. Trong khi tổng số ca mắc bệnh là 84.274, tăng 5.288 trường hợp so với ngày 11/4.
Tới sáng 13/4 theo giờ Việt Nam, nước Anh đã ghi nhận 10.612 người thiệt mạng do dịch bệnh COVID-19, tăng 737 ca so với một ngày trước. Số ca tử vong trong ngày dù có thấp hơn mức gần 1.000 ca được ghi nhận trong liên tiếp 2 ngày trước, song vẫn khiến Anh trở thành một trong những nước có tỉ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới.
Chiều 12/4, truyền thông Anh dẫn nguồn tin giới chức chính phủ nước này cho biết Thủ tướng Boris Johnson đã xuất viện sau thời gian điều trị bệnh COVID-19, nhưng ông Johnson chưa trở lại làm việc ngay.
Một phát ngôn viên Chính phủ Anh xác nhận Thủ tướng Johnson đã xuất viện sau gần 1 tuần điều trị tại Bệnh viện St Thomas ở trung tâm thủ đô London. Nhà lãnh đạo Anh sẽ tiếp tục quá trình hồi phục tại khu nghỉ dưỡng vùng ngoại ô ở Chequers. Theo nguồn tin trên, các chuyên gia y tế khuyến cáo Thủ tướng Johnson chưa trở lại làm việc ngay và ông sẽ tuân thủ điều này.
Thủ tướng Johnson không phải quan chức cao cấp nhất của Anh mắc bệnh COVID-19. Bộ trưởng Y tế Matt Hancock và cố vấn hàng đầu của ông là Dominic Cummings cũng đã nhiễm virus. Ngày 25/3, Điện Clarence thông báo Thái tử Anh Charles cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Trên phạm vi toàn châu Âu, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) trước đó cảnh báo dịch bệnh COVID-19 đang lây nhiễm và cướp đi mạng sống của rất nhiều người, và hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy COVID-19 tại châu lục này đã lên tới đỉnh dịch.
Theo báo cáo của ECDC, hệ thống theo dõi số lượng tử vong tại châu Âu do các nguyên nhân gây ra trong đó có cả do COVID-19, tỷ lệ tử vong cao hơn mức dự đoán đã diễn ra tại các nước Bỉ, Pháp, Italy, Malta, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Anh, và chủ yếu rơi vào những người già trên 65 tuổi.
Số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 tại châu Âu đã vượt ngưỡng 75.000 người. Hãng thông tấn AFP tổng hợp các nguồn tin chính thức cho biết, tính đến đêm 12/4 (giờ Hà Nội), dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 75.011 người ở châu Âu trong số 909.673 ca mắc bệnh, với 80% số ca tử vong là ở Italy, Tây Ban Nha, Pháp và Anh.
Trong khi đó, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 12/4 công bố nước này ghi nhận thêm 4.092 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên thành 156.363 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong tăng lên 19.899 trường hợp (tăng 431 ca) và số ca hồi phục là 34.211 ca (tăng 1.677 ca). Như vậy, số ca tử vong tính theo ngày tại Italy ở mức thấp nhất kể từ ngày 19/3.
Người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ dân sự Angelo Borrelli cho biết vùng tâm dịch Lombardy, miền Bắc Italy, cũng ghi nhận dấu hiệu tích cực khi số ca tử vong và nhập viện đều giảm. Tổng số ca mắc COVID-19 tại vùng là 59.052 ca (tăng 1.460 trường hợp), trong đó số ca tử vong là 10.621 ca tăng 110 trường hợp, giảm so với ngày 11/4 (tăng 273 trường hợp) và tổng số ca nhập viện là 11.969 trường hợp (giảm 57 ca).
Sau khi Chính phủ Italy thông báo quyết định gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 3/5, Bộ Nội vụ Italy cho biết trong ngày 11/4 hơn 12.500 trường hợp đã bị xử phạt do vi phạm quy định hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tại Tây Ban Nha, Bộ Y tế thông báo số ca tử vong do COVID-19 ở nước này trong 24 giờ qua đã tăng thêm 507 người sau khi giảm trong 3 ngày liên tiếp. Như vậy, tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Tây Ban Nha là 17.113 người, trong khi tổng số trường hợp mắc bệnh cũng tăng lên 166.127 người.
Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận hơn 2.000 ca mắc COVID-19, đưa tổng số trường hợp mắc bệnh ở nước này vượt ngưỡng 15.000 người, riêng thủ đô Moskva vượt 10.000 người. Cụ thể, tổng số trường hợp lây nhiễm ở Nga đang là 15.770 người (tăng 16,1% trong ngày) tại 82 chủ thể liên bang.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của LB Nga cho biết nước này đã ghi nhận thêm 2.186 trường hợp mắc COVID-19 tại 52 chủ thể liên bang, nâng tổng số trường hợp lây nhiễm lên con số 15.770 người (tăng 16,1%).
Cũng trong 24 giờ qua, Nga có thêm 246 người hồi phục, đưa số người khỏi bệnh lên 1.045 người; và 24 người tử vong (hiện là 130 người). Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có số người nhiễm virus SARS-CoV-2 trong một ngày cao nhất với 1.306 ca, nâng tổng số lên 10.158 ca.
Cùng ngày, Văn phòng Báo chí Bộ Y tế Ukraine cho biết ngày 12/4 nước này đã ghi nhận thêm 266 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, đưa tổng số người nhiễm chủng virus này lên 2.777 người. Trong số này có 83 trường hợp tử vong và 89 bệnh nhân đã hồi phục.
Ở Pháp, tính đến rạng sáng 13/4, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 14.393 bệnh nhân (tăng 561 ca trong 24 giờ qua). Tổng số bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Pháp là 132.591 ca, nhiều thứ 3 châu Âu, trong đó có 2.937 ca bệnh mới. Bên cạnh 27.186 người đã khỏi bệnh và ra viện, Pháp ước tính hàng chục ngàn ca nhiễm virus khác đang phải tự cách ly và điều trị bệnh tại nhà.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi cuối tháng 2 đến nay, Đức lần đầu tiên ghi nhận số người khỏi bệnh nhiều hơn tổng số người còn mắc bệnh. Số liệu thống kê của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) cho thấy, tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 tính đến 6 sáng 13/4 (giờ Hà Nội) ở Đức là 127.574 trường hợp, trong đó có 60.300 người đã khỏi bệnh.
Trong ngày, Đức ghi nhận thêm 140 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng tại nước này lên 3.011. Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cũng như Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt/Main cho hay, ngày 11/4, một người Đức gốc Việt đã qua đời tại bang München do mắc bệnh COVID-19. Đây có thể là trường hợp người gốc Việt ở Đức đầu tiên tử vong virus SARS-CoV-2.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã có bài phát biểu trên truyền hình dài 9 phút, trong đó ông kêu gọi người dân hãy bình tĩnh, kiên trì và đoàn kết cùng nhau vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19. Ông Steinmeire hối thúc mỗi người dân giữ vững kỷ luật và tinh thần đoàn kết cũng như chấp hành nghiêm chỉnh mọi biện pháp của chính phủ trong nỗ lực nhằm hạn chế sự lây lan của virus nguy hiểm SARS-CoV-2.
Ở châu Á, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, trong 24 giờ qua, Trung Quốc đã ghi nhận thêm 99 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 97 ca từ nước ngoài trở về, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 từ bên ngoài lên 1.280 người.
Trung Quốc không ghi nhận ca tử vong mới nào và tới sáng 13/4, nước này chỉ có 3.339 người thiệt mạng, chủ yếu tại tâm dịch Vũ Hán thời đinh dịch cuối tháng 2, đầu tháng 3 vừa qua.
Bộ Y tế Nhật Bản ngày 12/4 thông báo, tính đến hết ngày, tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này là 6.748 người. Trong khi đó, số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở Nhật Bản hiện là 108 trường hợp. Thủ đô Tokyo đã ghi nhận 166 ca bệnh mới, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 tại “ổ dịch” ở Nhật Bản lên 2.0 người.
Theo bộ trên, hiện có 125 bệnh nhân COVID-19 ở Nhật Bản được đánh giá đang ở trong tình trạng nghiêm trọng phải thở máy hoặc được chữa chạy trong các khoa điều trị tích cực. Ngoài ra, tính đến ngày 11/4, Nhật Bản đã ghi nhận tổng cộng 1.353 bệnh nhân được phép xuất viện sau khi được điều trị thành công.
Hàn Quốc ngày 12/4 ghi nhận số ca nhiễm mới là 332 và thêm 3 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc và tử vong vì COVID-19 tại nước này lên lần lượt là 10.512 và 214 trường hợp.
Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn là 125, nâng tổng số lên 7.3 người, chiếm 70,1%. Hiện vẫn còn hơn 20 trường hợp trong tình trạng nguy kịch. Tính đến hết ngày 12/4 Hàn Quốc đã ghi nhận có 886 ca nhiễm bệnh đến từ nước ngoài.
Ở khu vực Trung Đông, người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpur thông báo trong 24 giờ qua, Iran ghi nhận thêm 1.657 ca nhiễm SARS-CoV-2, đưa tổng số ca nhiễm ở nước này lên 71.6 ca, song hơn 61% trong số này đã được chữa khỏi. Số ca tử vong vì COVID-19 tại là 4.474 trường hợp, tăng 117 ca so với một ngày trước.
Các số liệu trên được công bố trong bối cảnh Iran bắt đầu mở cửa trở lại một số hoạt động kinh tế từ ngày 11/4, trong khi biện pháp hạn chế di chuyển liên thành phố cũng sẽ được dỡ bỏ vào ngày 20/4 tới.
Tại Saudi Arabia, Quốc vương Salman đã phê chuẩn kéo dài lệnh giới nghiêm cho đến khi có thông báo tiếp theo do số người nhiễm virus SARS-CoV-2 ở vương quốc này tiếp tục tăng. Saudi Arabia đến nay ghi nhận 4.462 ca mắc bệnh COVID-19, trong đó có 59 ca tử vong.
Ngày 12/4, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho hay nước này đã ghi nhận thêm 4.789 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 97 người tử vong, nâng tổng số trường hợp tử vong vì COVID-19 lên 1.198 người. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tới 56.956 trường hợp và số người đã khỏi bệnh là 3.446.
Ở nhiều nước châu Mỹ, số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 tiếp tục tăng nhanh.
Bộ Y tế Mexico cho biết trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 375 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 40 ca tử vong, nâng tổng số ca bị nhiễm virus này lên 4.219 người và số ca tử vong lên 273 người. Panama cũng ghi nhận thêm 260 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bị mắc bệnh lên tới 3.234 ca và 79 ca tử vong.
Tại Argentina, Tổng thống Alberto Fernandez ngày 11/4 đã thông báo quyết định kéo dài thời gian cách ly xã hội bắt buộc tới ngày 26/4 tại tất cả các thành phố lớn trên cả nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Argentina hiện có 2.142 ca mắc COVID-19 và 90 ca tử vong.
Còn tại Brazil, nước này đã ghi nhận số ca tử vong vượt mốc 1.000 người, cụ thể đang là 1.141 người, trong khi số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 cũng tăng lên thành 20.984 người.
Bộ Y tế Cuba (Minsap) thông báo trong 24 giờ qua, nước này có thêm 56 ca nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-Cov-2 gây ra, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 620 người, đồng thời xác nhận tổng số ca tử vong là 16 người sau 1 tháng kể từ thời điểm xuất hiện dịch bệnh tại đảo quốc Caribe này.
Sáng 12/4, Quốc hội Canada đã thông qua chương trình trợ cấp lương của chính phủ nhằm "bơm" hàng tỷ CAD vào các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến ngày một nghiêm trọng.
Chương trình trợ cấp lương trị giá 73 tỷ CAD (trên 52 tỷ USD) đã được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua trong một ngày và Chủ tịch Hạ viện Anthony Rota nhận định đây là “một ngày đặc biệt trong một giai đoạn đặc biệt”.
Tới sáng 13/4, khu vực Đông Nam Á ghi nhận tổng cộng trên 19.200 ca mắc dịch bệnh COVID-19 và gần 800 người tử vong. “Điểm nóng” Indonesia tiếp tục số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tăng mạnh.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có tổng cộng 19.233 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.044 trường hợp mắc bệnh mới.
Virus SARS-CoV-2 cũng đã khiến 797 người ở khu vực này thiệt mạng, tăng 103 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 4.772 trường hợp.
Trong vòng 24h qua, Indonesia tiếp tục là điểm dịch "nóng" nhất ASEAN khi nước này ghi nhận số ca mắc bệnh mới cao nhất khu vực (399 người) và số ca tử vong mới nhiều thứ hai khu vực (46 người, đứng sau Philippines). Quốc gia ASEAN có số người tử vong mới nhiều nhất trong ngày 12/4 là Philippines với 50 người.
Ngày 12/4, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của châu Phi cho biết châu lục này đến nay đã ghi nhận tổng công 13.6 ca mắc COVID-19, trong đó có 744 trường hợp tử vong.
Phóng viên TTXVN thường trú tại khu vực Bắc Phi cho biết, dịch COVID-19 đến nay đã lan rộng đến 52/55 quốc gia trên toàn châu Phi. Trong số 13.6 ca mắc, đã có 2.283 ca được điều trị khỏi và hồi phục sức khỏe tốt.
Kể từ ngày 27/1, Liên minh châu Phi (AU) đã kích hoạt CDC châu Phi và hệ thống quản lý sự cố (IMS) để thực hiện các hoạt động khẩn cấp và đối phó đại dịch COVID-19. Hiện CDC Châu Phi đang kế hoạch hành động thứ 3, diễn ra từ ngày 16/3-15/5, để đối phó đại dịch Covid-19 trên toàn lục địa.
Giáo hoàng Francis lần đầu tiên phá vỡ truyền thống có từ nhiều thế kỷ nay, và phát trực tiếp (livestream) thánh lễ Phục sinh (Easter Sunday) vào ngày 12/4 theo giờ Vatican, để cho phép 1,3 tỷ tín đồ trên toàn thế giới có thể kỷ niệm ngày lễ thiêng liêng nhất của người Công giáo trong bối cảnh lệnh phong tỏa và cách ly xã hội đang được áp dụng khắp địa cầu.
Mối lo ngại và những điều chưa biết về một đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người đang định hình lại xã hội và biến đổi cách thức tôn giáo hành lễ. Ngay cả những truyền thống thiêng liêng như Giáo hoàng gửi thông điệp và ban phước cho các tín đồ tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican cũng đã phải thay thế bằng cách Giáo hoàng Francis đọc thông điệp trước một máy ghi hình từ phòng thư viện của mình. Thính giả duy nhất của ông là chiếc máy quay.