Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, lần lượt là 641.410 ca và 28.394 ca. Số ca nhiễm bệnh và tử vong mới ở Mỹ trong 24h qua vẫn rất cao với trên 27.500 ca mới và 2.347 ca tử vong.
Các nước có số ca nhiễm mới trên 4.000 trong 24h là Pháp (4.560), Anh (4.603), Thổ Nhĩ Kỳ (4.281).
Trong khi đó, số người chết đang có xu hướng giảm trên thế giới. Trừ Mỹ, Pháp và Anh, đa số nước chỉ có thêm vài trăm hoặc vài chục ca tử vong trong 24h qua.
Người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Harris cho biết diễn biến tình hình dịch COVID-19 hiện nay ở châu Âu vẫn là một bức tranh hỗn hợp. Ở một số nước như Italy và Tây Ban Nha diễn biến dịch đang chậm lại, trong khi ở một số nước khác đang gia tăng. Theo bà Harris, 90% số ca nhiễm trên toàn cầu hiện nay là ở châu Âu và Mỹ, và dịch bệnh hiện chưa đến đỉnh điểm.
Chuyên gia tiếp tục cảnh báo về hậu quả dỡ bỏ hạn chế sớm
Ngày 15/4, WHO khuyến cáo những quốc gia nới lỏng các biện pháp hạn chế cần đợi ít nhất 2 tuần để đánh giá tác động của những thay đổi này trước khi tiến hành các bước đi tiếp theo. Trong bản cập nhật chiến lược mới nhất, WHO cho rằng thế giới đang đứng trước “thời điểm then chốt" trong đại dịch COVID-19, nhấn mạnh “tốc độ, quy mô và tính công bằng phải là những nguyên tắc chỉ đạo" khi quyết định biện pháp nào là cần thiết. Mỗi quốc gia cần thực hiện các biện pháp y tế công khai toàn diện để duy trì ổn định số ca nhiễm ở mức thấp hoặc không có sự lây nhiễm nào, cũng như đảm bảo sẵn sàng ứng phó nhanh chóng để có thể kiểm soát dịch bệnh lây lan.
Trong bối cảnh một số quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 đang cân nhắc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa và hướng tới khôi phục cuộc sống thường nhật, bản cập nhật của WHO cho rằng bất cứ bước đi nào cũng cần được tiến hành từng bước, và có thời gian để đánh giá tác động trước khi tiến hành các bước đi tiếp theo. Theo WHO, để giảm nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại, các biện pháp hạn chế nên được từng bước dỡ bỏ, dựa trên việc đánh giá các rủi ro dịch tễ và lợi ích kinh tế xã hội của quyết định dỡ bỏ này đối với các cơ sở làm việc khác nhau, các tổ chức giáo dục và các hoạt động xã hội. WHO nhấn mạnh: “Lý tưởng nhất là sẽ có tối thiểu 2 tuần (tương ứng thời kỳ ủ bệnh COVID-19) giữa mỗi giai đoạn của quá trình chuyển đổi, qua đó cho phép có đủ thời gian để nắm được nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới cũng như cách thức ứng phó phù hợp”. WHO cũng cảnh báo nguy cơ dịch bệnh COVID-19 trở lại và bùng phát vẫn còn.
Trước đó, WHO đã cảnh báo các nước nên thận trọng về việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng chống dịch COVID-19 do tiềm ẩn nguy cơ hồi sinh “chết người” của dịch bệnh. WHO cũng khuyến cáo các nước không được chủ quan trước dấu hiệu chậm lại của dịch bệnh tại một số quốc gia, khẳng định "chúng ta chắc chắn vẫn chưa đến đỉnh dịch".
Trong khi đó, tiến hành phân tích đường cong của đại dịch COVID-19, các nhà khoa học tại Đại học Harvard (Mỹ) của nhận định việc các nước áp đặt lệnh phong tỏa hay giãn cách xã hội một lần sẽ không thể ngăn chặn được dịch bệnh mà diễn biến thực tế đòi hỏi các biện pháp này được triển khai nhiều lần tới tận năm 2022.
Theo nghiên cứu, dịch bệnh COVID-19 sẽ xuất hiện theo mùa, rất giống với các chủng virus Corona gây ra các triệu chứng cảm lạnh, cúm mùa thông thường, với tỷ lệ truyền nhiễm cao hơn vào các tháng lạnh. Tuy nhiên, có quá nhiều điều chưa hiểu về cơ chế của virus SARS-CoV-2 gây bệnh cũng như khả năng duy trì miễn dịch của những người đã mắc sẽ kéo dài bao lâu.
Một số nước điều chỉnh biện pháp hạn chế
WHO đưa ra khuyến cáo trên trong bối cảnh một số quốc gia đang bắt đầu lên kế hoạch dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.
Trung Quốc đã bắt đầu dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế nghiêm ngặt được áp đặt tại tỉnh Hồ Bắc, nơi dịch COVID-19 khởi phát hồi cuối năm ngoái.
Tại Mỹ, hiện có số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới, Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ “ủy quyền” cho các thống đốc bang triển khai kế hoạch mở cửa trở lại các doanh nghiệp Mỹ vào thời điểm thích hợp.
Sau hơn một tháng đóng cửa để kiềm chế tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2, ngày 15/4, Đan Mạch đã bắt đầu mở cửa trở lại các trường học. Đây là quốc gia đầu tiên tại châu Âu quyết định mở cửa lại trường học. Các trường mẫu giáo và tiểu học đã mở cửa trở lại sau khi phải đóng cửa từ ngày 12/3. Tuy nhiên, việc mở lại cửa trường hiện mới chi áp dụng tại khoảng 50% số khu vực hành chính của Đan Mạch. Riêng tại thủ đô Copenhagen, số trường mở lại chiếm khoảng 35%. Dự kiến, tất cả các trường mẫu giáo và tiểu học tại Đan Mạch sẽ mở cửa trở lại vào ngày 20/4. Trong khi đó, các học sinh trung học cơ sở và phổ thông trung học sẽ tiếp tục học trực tuyến và dự kiến quay lại trường vào ngày 10/5 tới.
Đầu tháng Tư này, Chính phủ Đan Mạch đã tuyên bố sẽ mở lại các trường học với điều kiện mọi người dân phải duy trì khoảng cách tiếp xúc và rửa tay thường xuyên. Các trường được yêu cầu sắp xếp các bàn trong lớp học cách nhau 2 mét và giờ giải lao phải chia thành các nhóm nhỏ. Nhiều phụ huynh ở nước này đã phản đối động thái trên do lo ngại vấn đề sức khỏe.
Tính đến nay, Đan Mạch đã ghi nhận 6.691 ca mắc COVID và 299 trường hợp tử vong.
Trước Đan Mạch, Áo là quốc gia đầu tiên ở châu Âu lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế. Trong khi duy trì các biện pháp giãn cách xã hội, buộc người dân phải đeo khẩu trang khi đến các cửa hàng hoặc trên các phương tiện công cộng, từ ngày 14/4, Áo đã cho phép các cửa hàng nhỏ không kinh doanh thực phẩm mở cửa trở lại. Nước này dự định sẽ đóng cửa các trường học, quán cà phê và hàng ăn cho đến ít nhất giữa tháng 5.
Cùng ngày, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cũng tuyên bố dỡ bỏ hạn chế đi và đến khu vực thủ đô Uusimaa, vốn được áp dụng từ ngày 28/3 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Cũng trong ngày 15/4, Samoa đã nới lỏng các biện pháp nhằm thực thi tình trạng khẩn cấp. Theo đó, các nhà hàng và xe buýt đã nối lại một phần hoạt động, trong khi kéo dài thời gian mở cửa siêu thị. Quyết định trên được đưa ra sau cuộc tham vấn chặt chẽ giữa thủ tướng và nội các trong bối cảnh Samoa vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào mắc COVID-19. Nước này vẫn đóng cửa các đường biên giới.
Chính phủ Ấn Độ cũng cho biết sẽ cho phép các doanh nghiệp ở nông thôn mở cửa trở lại vào tuần tới cũng như nối lại các hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 đối với hàng triệu người dân. Ngày 15/4, Bộ Nội vụ Ấn Độ đã ban hành hướng dẫn cho phép nối lại hoạt động của ngành thương mại và công nghiệp, song ở mức hạn chế và tại các vùng ít bị ảnh hưởng dịch bệnh. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 20/4 tới.
Trong khi đó, nước láng giềng Pakistan cũng tuyên bố sẽ cho phép ngành xây dựng hoạt động trở lại. Lĩnh vực xây dựng là "phao cứu sinh" của một bộ phận lớn người dân Pakistan, chỉ sau hoạt động nông nghiệp. Chính phủ nước này vẫn đang đánh giá các ngành bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch COVID-19 cũng như xác định các ngành ít bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Trái lại, một số nước tục phong tỏa, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội.
Ngày 15/4, Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ hiến các bang ở Đức đã họp trực tuyến và nhất trí tiếp tục duy trì các biện pháp giãn cách xã hội đến ngày 3/5 trong cuộc chiến chống COVID-19. Thủ tướng Merkel cho biết các biện pháp giãn cách xã hội mà chính phủ liên bang áp đặt trên toàn quốc kể từ hôm 23/3 bước đầu đã có hiệu quả, góp phần làm giảm đáng kể tỉ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Do đó, bà và thủ hiến các bang đều nhất trí cho rằng các biện pháp giãn cách xã hội cần được tiếp tục duy trì ít nhất cho đến ngày 3/5 tới.
Theo đó, những quy định hạn chế tiếp xúc như cấm tụ tập từ 2 người trở lên, trừ các thành viên trong gia đình hoặc những người sống cùng nhau trong một nhà; hạn chế tiếp xúc với người khác; giữ khoảng cách 1,5m với người khác ở nơi công cộng, đóng cửa các trường học, nhà hàng... sẽ vẫn được áp dụng trên cả nước. Ngoài ra, các sự kiện văn hóa, thể thao quy mô lớn tập trung đông người cũng bị cấm tổ chức từ nay đến ngày 31/8 tới. Bên cạnh đó, mặc dù không phải là quy định bắt buộc, song Thủ tướng Merkel cũng khuyến nghị người dân nên đeo khẩu trang trên tàu, xe buýt, trong các cửa hàng và những nơi công cộng.
Tính đến 6h sáng 16/4, Đức ghi nhận 133.456 trường hợp bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và hơn 3.592 ca tử vong. Bang Bayern hiện vẫn là bang ghi nhận có số người mắc bệnh nhiều nhất với hơn 35.000 trường hợp. Trong khi đó, Thủ đô Berlin ghi nhận 4736 trường hợp mắc bệnh và 62 ca tử vong.
Tương tự Đức, Hội đồng an ninh quốc gia Bỉ đã họp và quyết định kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp cách ly xã hội đến hết ngày 3/5. Theo thông báo mới nhất của Chính phủ Bỉ, học sinh phổ thông nghỉ học cho tới hết ngày 3/5 và các hoạt động tập trung đông người bị cấm đến hết 31/8. Việc mang khẩu trang được khuyến cáo trong môi trường đông người, khoảng cách an toàn không áp dụng được khi các biện pháp cách ly từng bước được nới lỏng.
Các hoạt động tập trung đông người như các sự kiện thể thao, văn hóa sẽ không được tổ chức từ nay đến hết 31/8, thông tin này đặc biệt liên quan đến giải bóng đá vô địch quốc gia Bỉ và các sự kiện liên hoan văn hóa mùa hè, một loại hình hoạt động đặc trưng của người Bỉ. Chính quyền sẽ tính toán thận trọng từng bước một để tránh làn sóng dịch quay trở lại. Cảnh sát cũng sẽ tiếp tục giám sát và xử phạt những người vi phạm lệnh cách ly xã hội với nhiều hình thức khác nhau.
Tính tới 6h sáng 16/4, Bỉ ghi nhận 33.573 ca mắc COVID-19, trong đó 4.440 ca tử vong.
Diễn biến số ca mắc và tử vong mới tại một số điểm trên thế giới
Bang New York của Mỹ ngày 15/4 ghi nhận có thêm 752 ca tử vong, ít hơn ngày hôm trước 26 ca, và tổng số ca nhiễm bệnh tại đây đã vượt quá 200.000 người. Tại buổi họp báo cập nhật tình hình, Thống đốc bang Andrew Cuomo cho biết ông sẽ ký lệnh yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng khi không thể đảm bảo khoảng giãn cách 2 mét với người khác. Dự kiến lệnh của ông sẽ có hiệu lực từ ngày 18/4 tới.
Trước đó cùng ngày, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cho biết chính quyền thành phố sẽ không để người dân nào bị đói đồng thời công bố chương trình cung cấp lương thực phẩm trị giá 170 triệu USD cho người nghèo. Số tiền này sẽ được dùng để mua 18 triệu bữa ăn cung cấp cho người nghèo và thuê hơn 11.000 lái xe để vận chuyển đồ ăn tới cho họ. Tuy nhiên ông cũng khẳng định thành phố sẽ không thể trở lại hoạt động bình thường nếu không có sự trợ giúp của chính quyền liên bang bởi đại dịch có thể khiến thành phố New York thiệt hại tới hơn 10 tỷ USD do không còn nguồn thu từ các hoạt động kinh tế.
Cơ quan Y tế quốc gia Anh ngày 15/4 ghi nhận thêm 761 ca tử vong do COVID-19 so với một ngày trước đó. Như vậy, tổng số ca tử vong vì căn bệnh này tại Anh hiện lên tới 12.8, cao thứ 5 trên thế giới chỉ sau Mỹ, Italy, Tây Ban Nha và Pháp.
Tại Tây Ban Nha, số ca tử vong do mắc bệnh COVID-19 trong 24 giờ qua tiếp tục giảm. Ngày 15/4, quốc gia châu Âu này ghi nhận thêm 453 ca tử vong, giảm so với 567 ca của ngày trước đó. Như vậy, tính tới nay, Tây Ban Nha ghi nhận 18.708 ca tử vong do mắc COVID-19, trong khi tổng số người nhiễm bệnh là 177.634.
Cùng ngày, Đức ghi nhận thêm 97 ca tử vong do mắc COVID-19, đưa số ca tử vong tại nước này lên 3.592. Tổng số ca nhiễm tại nước này là 133.456, tăng 1.246 trường hợp so với ngày 14/4.
Tại Nhật Bản, nước này ghi nhận 8.915 người mắc COVID-19, trong đó có 8.203 người lây nhiễm trong nội địa và 712 người trên du thuyền Diamond Princess. Số người tử vong do mắc COVID-19 đã lên tới 175 người, trong đó có 12 người là du khách trên tàu Diamond Princess.
Tại Trung Đông, số ca nhiễm tiếp tục tăng cao. Ngày 15/4, truyền thông Trung Đông dẫn thông báo của Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết, trong 24h qua, nước này đã phát hiện thêm 4.281 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm lên 69.392 trường hợp. Ngoài ra, cùng ngày Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã ghi nhận thêm 115 người tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca tử vong tính đến nay lên 1.518 người.
Saudi Arabia cùng ngày thông báo đã phát hiện thêm 493 ca nhiễm mới. Như vậy tính đến nay Saudi Arabia đã 5.862 trường hợp mắc COVID-19. Theo người phát ngôn Bộ Y tế Saudi Arabia Mohammed Al Abdulaali, số ca tử vong là 79 người sau khi có thêm 6 người nữa vừa qua đời vì căn bệnh nguy hiểm này.
Tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), trong ngày 15/4 ghi nhận 432 ca nhiễm mới, đưa tổng số trường hợp mắc COVID-19 tính đến nay lên thành 5.365 người. Trong số này đã có 33 người tử vong. UAE là quốc gia đầu tiên ở Vùng Vịnh phát hiện các ca nhiễm virus SARS-CoV-2.
Cũng trong ngày 15/4, Bộ Y tế Qatar cho biết tổng số ca mắc COVID-19 là 3.711 sau khi có thêm 283 ca nhiễm mới. Trong tổng số ca mắc bệnh mới chỉ có 406 người được chữa khỏi, 7 người chết, còn lại vẫn đang phải điều trị. Đáng chú ý, nhiều trường hợp nhiễm mới gần đây là lao động nước ngoài đang làm việc tại Qatar.
Tại Iraq, Bộ Y tế nước này xác nhận thêm 15 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 trong cả nước lên thành 1.415 người, trong đó đã có 79 người tử vong và 812 người được chữa khỏi bệnh. Nhà chức trách Iraq đã thực hiện một loạt biện pháp nhằm kiềm chế dịch bùng phát, trong đó có việc gia hạn lệnh giới nghiêm trên toàn quốc đến ngày 19/4. Trung Quốc cũng đã cử một nhóm chuyên gia y tế gồm 7 thành viên tới Iraq để giúp quốc gia Trung Đông này chống dịch.
Số liệu cập nhật của Bộ Y tế Cuba (Minsap) ngày 15/4 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 48 ca dương tính với virus SARS-Cov-2, nâng tổng số bệnh nhân lên thành 814 người, trong đó có 24 ca đã tử vong, tăng 3 ca so với ngày hôm trước.