Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 24/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 2.710.294 trường hợp, trong đó có 190.110 người tử vong.
Đến nay, đại dịch đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Các nước cũng ghi nhận 743.567 bệnh nhân COVID được điều trị khỏi bệnh, trong khi còn 58.675 người trong tình trạng nguy kịch và 1.776.617 đang phải điều trị tích cực.
Trong vòng 1 ngày qua, Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều trường hợp tử vong nhất thế giới với 2.708 trường hợp. Cụ thể, Mỹ tiếp tục bỏ xa các nước khác về cả số ca bệnh lẫn số ca tử vong. Các điểm nóng COVID-19 tiếp theo sau Mỹ gồm có Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Anh và Đức.
Tại châu Âu, Anh chứng kiến nhiều ca tử vong nhất trong ngày với 6 trường hợp. Tuy nhiên, trên bình diện cả châu lục, thì cựu lục địa tiếp tục xu thế “hạ nhiệt” diễn biến dịch bệnh, số ca tử vong tại các điểm nóng như Italy, Tây Ban Nha hay Pháp đang giảm đường cong dịch bệnh, số ca mắc mới và tử vong đều giảm.
Với 4.774 trường hợp, Nga là nước châu Âu ghi nhận số ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất châu Âu. Trong khi tình hình dịch bệnh tại Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ diễn biến xấu đi, khi nước này ghi nhân số ca bệnh mới trong ngày lên tới 3.116, nâng tổng số lên 101.790 ca.
Tại Mỹ, trong vòng 24h qua, nước này ghi nhận 2.078 ca tử vong và 29.289 ca mắc bệnh mới, nâng tổng số người tử vong và mắc COVID-19 tại Mỹ lên lần lượt là 49.737 và 878.006.
Tình hình đại dịch tại tâm dịch New York cũng có nhiều dấu hiệu tích cực với số ca tử vong tiếp tục xu thế giảm và số người nhập viện cũng liên tục giảm trong 10 ngày qua. Số ca tử vong ở bang ghi nhận trong 24 giờ qua là 507 và tổng số ca tử vong tính đến ngày 24/4 là 20.861 người.
Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo, cho biết Tổng thống Donald Trump đã cam kết hỗ trợ bang này nâng khả năng xét nghiệm lên tới 40.000 xét nghiệm chẩn đoán bệnh và xét nghiệm kháng thể mỗi ngày.
Ngày 23/4, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cứu trợ các doanh nghiệp nhỏ và các bệnh viện nhằm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 cũng như tăng cường xét nghiệm, nâng tổng chi phí hỗ trợ cho cuộc khủng hoảng đại dịch này lên tới gần 3 nghìn tỷ USD.
Dự luật thứ 4 này sẽ hỗ trợ tiền cho các doanh nghiệp nhỏ và bệnh viện đang phải vật lộn với thiệt hại kinh tế do đại dịch gây khiến 26 triệu người mất việc làm trong 5 tuần qua, và thúc đẩy xét nghiệm virus SARS-COV-2, một yếu tố quan trọng quyết định việc mở cửa trở lại nền kinh tế của Mỹ.
Trước đó, dự luật cũng đã được Thượng viện Mỹ thông qua sau khi các bất đồng giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa được giải quyết. Dự luật này sẽ được chuyển tới Nhà Trắng, nơi Tổng thống Trump cam kết nhanh chóng ký thành luật.
Cùng ngày tại châu Âu, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến của Liên minh châu Âu (EU), các nhà lãnh đạo của khối này đã thông qua gói tài chính trị giá 540 tỷ euro để hỗ trợ các quốc gia và doanh nghiệp đối phó với đại dịch COVID-19. Gói tài chính này sẽ sẵn sàng trước ngày 1/6.
Trước đó, các Bộ trưởng Tài chính EU hôm 10/4 đã đồng thuận về gói hỗ trợ trên với 3 mục tiêu gồm: thông qua quỹ Cơ chế Ổn định châu Âu (MES) để trang trải các chi phí liên quan trực tiếp và phi trực tiếp đến đại dịch COVID-19; chấp thuận sáng kiến của Ngân hàng Đầu tư châu Âu về việc hỗ trợ tài chính 200 tỷ euro cho các doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại EU; và 100 tỷ euro giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp tại các quốc gia thành viên.
Theo nguồn thạo tin, Châu Âu đang phải đối mặt với một cú sốc kinh tế lớn từ sự lây lan của dịch COVID-19. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde thông tin với các nhà lãnh đạo EU rằng, đại dịch COVID-19 có thể sẽ khiến khối này sụt giảm từ 5-15% sản lượng kinh tế.
Tại Italy, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy thông báo trong ngày 23/4, nước này đã ghi nhận thêm 2.646 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 lên 189.973 người. Trong khi đó, số ca tử vong đã tăng thêm 464 trường hợp, lên 25.549 người.
Ngoài ra, Italy cũng có thêm 3.033 bệnh nhân hồi phục sức khỏe, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 57.576 người.
Cũng theo cơ quan trên, số người được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Italy hiện là 106.848 trường hợp, giảm 851 ca so với ngày 22/4 (107.699). Trong khi đó, số bệnh nhân phải điều trị tích cực cũng tiếp tục giảm 117 ca xuống còn 2.267 người.
Tại Pháp, tính đến sáng 24/4, số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 đã lên tới 21.856 người - tăng 516 trường hợp so với ngày 22/4, bao gồm 13.547 ca tử vong ở các bệnh viện (tăng 311 ca) và 8.309 ca tử vong ở các nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội (tăng 205 ca).
Pháp cũng ghi nhận tổng cộng 29.219 người mắc COVID-19 đang được điều trị ở các bệnh viện - giảm 522 bệnh nhân so với ngày 22/4, trong đó có 5.053 trường hợp phải chăm sóc đặc biệt - giảm 165 ca.
Cùng ngày, Tổng thống Emmanuel Macron bày tỏ mong muốn "tăng cường sự tự chủ chiến lược" của Pháp trong sản xuất công nghiệp, và đề cập đến một mục tiêu "chủ quyền". Phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh châu Âu, ông Macron tuyên bố, Pháp sẽ "tổ chức lại các chuỗi sản xuất".
Đức tới nay đã ghi nhận 151.784 ca mắc COVID-19 và 5.404 trường hợp tử vong. Thủ tướng Angela Merkel ngày 23/4 cho biết Chính phủ liên bang Đức và các tiểu bang có thể sẽ không đưa ra quyết định nới lỏng thêm các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 trước ngày 6/5.
Thủ tướng Merkel cho rằng công tác đánh giá những tác động từ quyết định nới lỏng một số hạn chế mới vừa bắt đầu, và phải được thực hiện sau khoảng 2 tuần. Theo bà Merkel, các quyết định nới lỏng khác sẽ có hiệu lực muộn hơn, và “điều đó có nghĩa là, chúng ta có thể sẽ thảo luận về những câu hỏi này vào ngày 6/5”.
Thủ tướng Merkel và lãnh đạo các tiểu bang cũng sẽ trao đổi về những chủ đề quan trọng khác vào ngày 30/4. Trước đó, sau nhiều tuần áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2, Chính phủ Đức từ ngày 20/4 đã bắt đầu nới lỏng một số hạn chế nhằm dần đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ bùng phát thành một điểm nóng mới. Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca ngày 23/4 cho hay số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đã lên tới 101.790 trường hợp.
Cụ thể, trong 24 giờ qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hiện thêm 3.116 ca nhiễm mới và 115 bệnh nhân tử vong do COVID-19. Như vậy, tổng số bệnh nhân tử vong do COVID-19 ở nước này đã lên đến 2.491 người.
Lệnh phong tỏa trong thời gian 4 ngày đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/4 tại 31 thành phố ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có thủ đô Ankara và thành phố Istanbul, và sẽ kéo dài đến nửa đêm 26/4. Đây là một trong những biện pháp được áp dụng nhằm kiềm chế sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Trước đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai một loạt biện pháp, trong đó có đóng cửa các trường phổ thông và đại học, cấm tụ tập đông người cũng như đóng cửa các địa điểm công cộng như các nhà hàng.
Ngày 23/4, Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Pablo Iglesias thông báo trẻ em dưới 14 tuổi sẽ được phép rời nhà trong 1 giờ với sự giám sát của người lớn và không được phép đi quá phạm vi 1 km tính từ nhà họ.
Hiện giới chức Tây Ban Nha đang nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt để phòng chống dịch COVID-19, sau khi số ca mắc mới mỗi ngày giảm từ 20% xuống còn 2%. Các công nhân nhà máy và xây dựng đã được phép trở lại làm việc. Tuy nhiên, trẻ em chủ yếu vẫn ở nhà trong 40 ngày qua do các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt.
Tới nay, Tây Ban Nha có 213.024 ca mắc COVID-19 và 25.549, tăng 464 trường hợp so với 1 ngày trước.
Tại châu Á, Bệnh viện Đại học Keio Nhật Bản cảnh báo virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lan rộng trong cộng đồng nước này, sau khi kết quả xét nghiệm PCR ngẫu nhiên đối với bệnh nhân đến bệnh viện này khám chữa bệnh cho thấy có tới 6% dương tính với virus.
Theo bệnh viện Đại học Keio, trong cộng đồng có một số bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng mắc bệnh, do đó các cơ quan chức năng và người dân cần có biện pháp phòng chống cần thiết.
Tới sáng 24/4, Nhật Bản ghi nhận 11.950 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 299 ca tử vong.
Tại Hàn Quốc, Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết, kể từ thời điểm chính phủ nước này áp dụng biện pháp "tự cách ly bắt buộc" 14 ngày tại nhà với toàn bộ người nhập cảnh từ ngày 1/4 vừa qua, chưa xuất hiện ca nhiễm chéo nào từ người bệnh (phát hiện trong quá trình kiểm dịch nhập cảnh) được ghi nhận. Điều này cho thấy Hàn Quốc đang làm tốt công tác phòng dịch ngay từ khâu nhập cảnh.
Tính tới sáng 24/4, Hàn Quốc ghi nhận 10.702 ca COVID-19 và 240 ca tử vong.
Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) của Trung Quốc cho biết trong ngày 23/4 Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 10 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 6 ca từ nước ngoài.
Theo NHC, 4 ca nhiễm trong nước gồm 3 ca ở tỉnh Hắc Long Giang và một ca ở tỉnh Quảng Đông. Không có ca tử vong hoặc nghi nhiễm nào được ghi nhận trong ngày 22/4, trong khi có thêm 56 bệnh nhân bình phục được xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân bình phục lên 77.207 người.
Như vậy, tính tới nay Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 82.798 ca mắc COVID-19 và 4.632 bệnh nhân tử vong. Hiện còn 939 bệnh nhân đang được điều trị. Ngoài ra có 8.429 người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 đang được theo dõi y tế.
Hết ngày 23/4, khu vực Đông Nam Á ghi nhận tổng cộng trên 35.000 ca mắc bệnh COVID-19 và trên 1.270 người tử vong. Số ca mắc bệnh tại Singapore nhiều hơn hẳn các nước khác, trong khi Malaysia quyết định kéo dài lệnh hạn chế đi lại.
Tính tới 23:59’ ngày 23/4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có tổng cộng 35.078 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.758 trường hợp mới mắc bệnh.
Virus SARS-CoV-2 cũng đã khiến 1.272 người dân ở khu vực này thiệt mạng, tăng 31 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 9.045 trường hợp.
Trong vòng 24h qua, Singapore có số ca mắc COVID-19 mới nhiều nhất khu vực trong ngày thứ 11 liên tiếp (1.037 người), tiếp tục là nước thành viên ASEAN có nhiều ca COVID-19 nhất và bỏ xa các quốc gia khác. Ngoài Singapore, Philippines và Indonesia cũng ghi nhận hàng trăm ca bệnh mới, song số ca tử vong đã giảm.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu chững lại tại các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Malaysia. Việt Nam tiếp tục được đánh giá là một điểm sáng về phòng chống đại dịch COVID-19 khi chặn đứng số ca mắc bệnh ở mức 2, ngày thứ 7 liên tiếp không phát sinh ca dương tính nào mới và số ca khỏi bệnh đã tăng lên 224. Như vậy, Việt Nam hiện chỉ còn 44 ca đang phải điều trị.
Tính sáng 24/4, tổng số ca mắc COVID-19 tại Australia là 6.654 người, chỉ tăng 7 ca (0,1%) so với một ngày trước đó. Đây là số ca nhiễm mới thấp nhất tại nước này kể từ ngày 6/3 vừa qua.
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Scott Morrison cho biết Australia đã đạt được "tiến bộ rất tốt" trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, đồng thời khẳng định nền kinh tế nước này đang trên đà trở về mức "an toàn với COVID".
Tới sáng 24/4, châu Phi ghi nhận tổng cộng 27.957 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 1.290 ca tử vong, chỉ tăng 46 trường hợp trên toàn châu lục.
Tại Nam Phi, Tổng thống Cyril Ramaphosa ngày 23/4 đã tuyên bố kế hoạch nới lỏng từng bước lệnh phong tỏa đang áp dụng nhằm khôi phục các hoạt động kinh tế quan trọng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp tại quốc gia phát triển nhất châu Phi này.
Trong thông điệp quốc gia được phát sóng trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống Ramaphosa nêu rõ, Nam Phi sẽ nới lỏng một số hạn chế của lệnh phong tỏa, trong đó sẽ hạ từ cấp độ 5 hiện tại xuống cấp độ 4 bắt đầu từ ngày 1/5. Chính phủ sẽ cho phép một số ngành nghề kinh tế thiết yếu hoạt động trở lại dưới sự giám sát chặt chẽ về vệ sinh phòng dịch nhằm ngăn chặn tối đa tình trạng lây lan.
Ngày 23/4, Bộ Y tế Nam Phi thông báo nước này đã ghi nhận tổng cộng 3.953 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tăng 318 trường hợp so với một ngày trước đó. Nước này cũng đã ghi nhận thêm 10 ca tử vong do virus SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 thiệt mạng ở nước này lên 75 trường hợp.
Tại Algiers, Ủy ban giám sát khoa học về sự phát triển của đại dịch COVID-19 của Algeria cho biết, tính đến chiều 23/4 (theo giờ địa phương), quốc gia Bắc Phi này đã ghi nhận thêm 97 ca mắc mới COVID-19 và 5 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở quốc gia Bắc Phi này lên 3.007 người, trong đó có 407 bệnh nhân tử vong.
Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đã lan rộng tại 47/48 tỉnh, thành ở nước này. Những địa phương phải đối mặt với tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất Blida, Algiers, Oran, et Tizi Ouzou.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ còn kéo dài, đồng thời nhận định hiện phần lớn các nước vẫn ở trong giai đoạn đầu ứng phó với dịch.
Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 22/4 ở Geneva, Thụy Sĩ, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lưu ý một số nước tin rằng đã có thể kiểm soát dịch nhưng thực tế, số ca mắc bệnh tăng trở lại, trong khi đó dịch đang diễn biến mạnh lên một cách đáng lo ngại tại châu Phi và châu Mỹ. Theo ông, dịch bệnh đang thuyên giảm ổn định tại các quốc gia Tây Âu nhưng lại gia tăng tại các nước châu Phi, Trung và Nam Mỹ cũng như Đông Âu.