COVID-19 là đại dịch toàn cầu
Phát biểu tại họp báo ngày 11/3, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói việc mô tả tình hình hiện nay là đại dịch không làm thay đổi đánh giá của WHO về mối đe dọa do SARS-CoV-2 gây ra, và điều này không thay đổi những gì mà WHO đang làm và các quốc gia cần làm. Ngoài ra, ông Ghebreyesus nói thêm rằng các nước cần đưa ra cả những biện pháp giảm nhẹ và ngăn ngừa, song ngăn ngừa cần phải là biện pháp trụ cột chính.
Ông Ghebreyesus còn bày tỏ lo sợ trước các mức độ báo động về tình trạng lây lan và tính nghiêm trọng của dịch COVID-19 cũng như các mức báo động về tình trạng thiếu hành động kịp thời nhằm chống dịch bệnh chết người này.
Ông nói: "Trong vòng 2 tuần qua, số ca mắc COVID-19 bên ngoài Trung Quốc đã tăng gấp 13 lần và số quốc gia bị ảnh hưởng tăng gấp 3 lần. Trong những ngày tới và những tuần tới, chúng tôi dự đoán số ca mắc bệnh mới, số người tử vong và số quốc gia bị ảnh hưởng thậm chí sẽ tăng cao hơn nữa... Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước mức độ lây lan và sự nghiêm trọng đáng báo động này, cũng như tình trạng thiếu hành động một cách đáng báo động. Chúng tôi đã rung hồi chuông cảnh tỉnh".
Ngay sau công bố của WHO, thị trường chứng khoán Phố Wall tiếp tục đà "đỏ lửa" mạnh hơn trong phiên giao dịch chiều 11/3 (giờ Mỹ). Khoảng 17h10' ngày 11/3 giờ GMT (tức 0h10' ngày 12/3 giờ Việt Nam), chỉ số công nghiệp Dow Jones đã giảm hơn 1.200 điểm, tương đương 5%. Chỉ số S&P 500 cũng giảm 4,6%, trong khi đó, chỉ số tổng hợp Nasdaq giảm 4,4%. Những lo ngại về đà lây lan nhanh của dịch bệnh COVID-19 gây ra trên khắp thế giới, bao gồm cả Mỹ, tiếp tục đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư chứng khoán.
Số ca nhiễm và tử vong ở đa số quốc gia đều tăng
Tính tới 6h ngày 12/3, đã có 122 quốc gia và vùng lãnh thổ có ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên. Các quốc gia này gồm Cộng hòa Dân chủ Congo, Bolivia, Thổ Nhĩ Kỳ, Honduras và Cote d'Ivoire. Các quốc gia như Indonesia, Bỉ và Panama cũng xác nhận những ca tử vong đầu tiên.
Châu Âu
Tại châu Âu, quốc gia đang chịu tác động mạnh nhất là Italy đến 6h sáng 12/3 đã ghi nhận thêm 2.313 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm của nước này lên 12.462 trường hợp. Số ca tử vong do dịch bệnh được ghi nhận trong ngày là 196 trường hợp, nâng tổng số ca tử vong tại Italy lên 827 trường hợp. Italy đã đề nghị Trung Quốc hỗ trợ trong kinh nghiệm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh và phía Trung Quốc đã quyết định sẽ cử các chuyên gia tới Rome trong vài ngày tới.
Theo thông báo tối 11/3 của Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran, hiện nước này có 2.281 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, tăng 497 người trong vòng 24h qua. Trong số này, có 105 bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt. Số ca tử vong cũng đã tăng lên 48 người so với 33 ca ghi nhận tối hôm trước. Hiện Pháp vẫn ở giai đoạn 2 của dịch COVID-19 vì chưa lây lan ra cả cả nước.
Tại quốc gia láng giềng Bỉ, Bộ Y tế nước này cũng thông báo có 314 ca mắc COVID-19, tăng mạnh so với con số 267 ca thông báo trước đó, và đã có 3 người tử vong. Đến nay, Bỉ đã xét nghiệm được 4.000 mẫu bệnh phẩm trên toàn lãnh thổ. Theo người phát ngôn Chính phủ liên bang Bỉ Emmanuel André, số người mắc COVID-19 tại nước này có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới và lên đến đỉnh dịch. Các bệnh viện của Bỉ đang tiếp nhận ngày càng nhiều ca nhiễm trùng đường hô hấp dưới, báo hiệu có thể đang ở thời điểm đầu dịch.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) có trụ sở tại thủ đô Brussels của Bỉ xác nhận đã có 4 nhân viên dương tính với virus SARS-CoV-2. Cơ quan này yêu cầu tất cả các nhân viên từ Italy trở về phải thực hiện cách ly trong hai tuần. Các khóa đào tạo nội bộ cũng bị đình chỉ ít nhất đến ngày 3/4.
Tại Thụy Điển, thông báo mới nhất từ chính phủ nước này cho biết số ca mắc COVID-19 đã lên tới 500 người, tăng 147 người chỉ trong một ngày. Chính phủ Thụy Điển đã ra lệnh cấm toàn bộ các hoạt động có từ 500 người tham gia trở lên.
Đức, Tây Ban Nha cũng có số ca mắc bệnh mới tăng từ 300-500 người so với hôm qua.
Mỹ
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Mỹ cũng ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh với 285 trường hợp, nâng tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 lên 1.279 người, trong đó có 37 người đã tử vong.
Trong một phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ ngày 11/3, Giám đốc Viện Dịch bệnh Truyền nhiễm và Dị ứng của Mỹ Anthony Fauci cho biết dịch COVID-19 có thể nguy hiểm gấp 10 lần so với bệnh cúm mùa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ sớm có bài phát biểu về dịch COVID-19. Các trợ lý Nhà Trắng của Tổng thống Trump đã có cuộc thảo luận về khả năng Tổng thống Trump sẽ có bài phát biểu, tập trung vào cách thức mà chính quyền của ông đang thực hiện nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng y tế ngày càng gia tăng tại quốc gia này cũng như trên thế giới. Tại sự kiện có thể diễn ra trong tối 11/3 hoặc tối 12/3, Tổng thống Trump sẽ đưa ra các biện pháp ứng phó thực sự đối với dịch bệnh trên.
Trong nhiều tuần qua, chính quyền Tổng thống Trump cố gắng trấn an dư luận khi khẳng định có khả năng kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế gần đây đã cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Trong khi đó, một nguồn tin khác cho biết, Tổng thống Trump đang cân nhắc tuyên bố bệnh dịch quốc gia để được sử dụng khoản tài chính dành cho hoạt động ứng phó của chính quyền liên bang đối với dịch COVID-19. Theo Đạo luật Stafford, động thái trên có thể giải ngân tới 40 tỷ USD cho gói cứu trợ khẩn cấp.
Châu Á
Số liệu mới nhất cho thấy tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Hàn Quốc tính tới 12/3 đã lên tới 7.755 ca, tăng thêm 242 ca. Số ca tử vong tăng thêm 6 ca, lên tổng số 60 ca.
Đài NHK của Nhật Bản đưa tin nước này đã ghi nhận thêm 59 ca mắc bệnh COVID-19 và đây là ngày có số ca nhiễm mới tăng nhiều nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Nhật Bản hiện ghi nhận 1.278 trường hợp nhiễm virus, trong đó có 696 ca trên du thuyền Diamond Princess và 19 người tử vong do dịch COVID-19, trong đó có 7 người từ du thuyền Diamond Princess.
Iran báo cáo thêm 63 ca tử vong vì dịch COVID-19 trong vòng 24 giờ qua. Đây là số ca tử vong trong một ngày cao nhất kể từ khi quốc gia này công bố ca tử vong đầu tiên vì dịch bệnh. Tổng số ca nhiễm tại quốc gia này hiện là 9.000 người và 354 người tử vong.
Bộ Y tế Israel đã xác nhận thêm 22 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân ở nước này lên 97 trường hợp.
Tình hình ở Trung Quốc là khả quan nhất khi chỉ có 12 ca mới và không có thêm ca tử vong nào.