Thỏa thuận con tin và tạm ngừng bắn
Theo tờ The Times of Israel, trong một cuộc bỏ phiếu chưa từng có tiền lệ vào sáng sớm 22/11, đa số thành viên nội các Israel đã thông qua một thỏa thuận về vấn đề thả con tin và tạm ngừng bắn với Hamas. Theo đó, những con tin đầu tiên ở Dải Gaza có thể được thả sớm nhất vào ngày 23/11. Cụ thể, khoảng 50 con tin Israel gồm phụ nữ và trẻ em sẽ được Hamas thả tự do để đổi lấy lệnh ngừng bắn tạm thời trong 4 ngày. Đồng thời, Israel sẽ trả tự do cho 150 tù nhân Palestine là phụ nữ và trẻ em đang bị Israel giam giữ, cho phép xe tải chở nhiên liệu, hàng hóa vào Dải Gaza.
Theo kênh CNN, chính phủ Israel cũng đưa ra khả năng lệnh ngừng bắn sẽ kéo dài hơn thời hạn 4 ngày, đồng thời thông báo trong một tuyên bố rằng cứ 10 con tin nữa được thả thì sẽ có thêm một ngày ngừng bắn.
Các nguồn tin cho biết, theo thỏa thuận này, Israel tạm dừng hoàn toàn các hoạt động của Lực lượng Phòng vệ Israel trên mặt đất ở Dải Gaza và chấm dứt các hoạt động trên không trên lãnh thổ này, ngoại trừ ở phía Bắc - nơi họ sẽ chỉ tạm ngừng bắn sáu giờ mỗi ngày.
Thông tin về thỏa thuận do phía Hamas công bố cũng có các nội dung tương tự. Tuy nhiên, hiện chưa rõ thời gian bắt đầu tạm ngừng bắn là khi nào.
Sau cuộc bỏ phiếu của nội các, người dân Israel sẽ có 24 giờ theo luật để kiến nghị phản đối, mặc dù dự kiến không có thay đổi gì và các quan chức chính phủ dự báo rằng thỏa thuận sẽ có hiệu lực vào ngày 23/11.
Văn phòng Thủ tướng Israel cũng đã xây dựng một quy trình thả và bàn giao con tin. Đầu tiên, Hamas chuẩn bị giao các con tin cho Hội Chữ Thập Đỏ, sau đó họ sẽ được bàn giao cho các đại diện của quân đội Israel. Các con tin sẽ được cơ quan chức năng kiểm tra y tế ban đầu và được đưa đến một trong 5 trung tâm y tế ở Israel để gặp gia đình. Trong giai đoạn tiếp theo, một số con tin có thể sẽ phải trao đổi thông tin với các quan chức an ninh rồi mới được cho về nhà.
Theo bình luận của nhà phân tích Marwan Bishara thuộc kênh Al Jazeera, thỏa thuận này dù chỉ là tạm thời nhưng sẽ giúp ích ở nhiều cấp độ. Ông nói: “Tôi chắc chắn việc tạm dừng giao tranh sẽ hỗ trợ cho nhiều người… cho dù họ là bệnh nhân trong bệnh viện hay là những đứa trẻ chỉ muốn có một đêm ngủ ở nhà mà không có tiếng bom”.
Ngoài ra, ông Bishara cho rằng các điểm đáng hoan nghênh trong thỏa thuận là việc thả các tù nhân Palestine bị giam giữ trong các nhà tù của Israel trong nhiều năm qua và cho phép xe chở thuốc, nhiên liệu vào Dải Gaza.
Giai đoạn sau thời gian tạm ngừng bắn
Thỏa thuận nói trên dù tích cực nhưng cũng chỉ giúp Dải Gaza bớt tiếng bom đạn trong vài ngày. Chiến dịch chống Hamas của Israel sẽ lại tiếp diễn như tuyên bố của Israel.
Trước cuộc bỏ phiếu của nội các, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng nước này có kế hoạch tiếp tục chiến dịch trên không và trên bộ ở Dải Gaza để hoàn thành mục tiêu tiêu diệt Hamas sau khi đợt thả con tin này kết thúc. Ông Netanyahu khẳng định: “Chúng tôi đang trong tình trạng chiến tranh và cuộc chiến sẽ tiếp tục cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu”. Ông cũng nói thêm rằng việc đưa các con tin về là ưu tiên thiêng liêng và ông cam kết thực hiện điều đó: “Chúng tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi mọi người trở về. Cuộc chiến có nhiều giai đoạn và việc trao trả con tin cũng sẽ có những giai đoạn”.
Trong một tuyên bố riêng, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant khẳng định cuộc tấn công trên bộ của Israel ở Gaza là yếu tố then chốt trong việc gia tăng áp lực lên Hamas để đàm phán. Ngày 18/11, ông Gallant cảnh báo các thành viên Hamas đang ẩn náu ở phía Nam Dải Gaza rằng binh sĩ Israel sẽ sớm đến nơi này.
Cảnh báo mở rộng chiến dịch trên bộ về phía Nam Gaza được đưa ra khi Israel yêu cầu người Palestine ở thành phố Khan Younis (miền Nam Gaza) phải di dời về phía Tây. Thông báo trên kênh MSNBC, trợ lý của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ông Mark Regev cho biết: "Chúng tôi đang yêu cầu mọi người di dời. Tôi biết điều đó không dễ dàng với nhiều người trong số họ, nhưng chúng tôi không muốn thấy dân thường bị cuốn vào cuộc giao tranh".
Động thái trên có thể buộc hàng trăm nghìn người Palestine đã chạy về phía Nam trước đó phải di dời một lần nữa cùng với cư dân ở Khan Younis, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn đã rất nghiêm trọng. Khan Younis hiện có dân số trên 400.000 người.
Quốc tế nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước
Theo cộng đồng quốc tế, về lâu dài, giải pháp cho xung đột Israel – Hamas không phải là những lệnh ngừng bắn lẻ tẻ, mà là giải pháp hai nhà nước.
Ngày 20/11, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng một Chính quyền Palestine vững mạnh hơn sẽ đảm đương các trách nhiệm ở Gaza sau cuộc khủng hoảng hiện nay và quốc tế sẽ nỗ lực thúc đẩy hướng tới giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Palestine - Israel. Khi được hỏi về triển vọng tình hình sau xung đột tại Gaza, ông Guterres cho rằng quan trọng là có thể biến thảm kịch này thành cơ hội cho một giải pháp dài hạn. Ông nhấn mạnh: “Để làm được như vậy, điều thiết yếu là sau xung đột, chúng ta đi theo một con đường kiên quyết và không thể đảo ngược, hướng tới giải pháp hai nhà nước”.
Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng cho rằng các bên liên quan cần phối hợp để tạo điều kiện cho một quá trình chuyển tiếp. Ông nêu rõ: "Tôi không nghĩ rằng sự bảo hộ của Liên hợp quốc tại Gaza là một giải pháp. Chúng ta cần một cách tiếp cận nhiều bên, trong đó các nước và các thực thể khác nhau cùng hợp tác”.
Cùng ngày, phát biểu sau chuyến công du Trung Đông, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại, ông Josep Borrell cho biết ông đã rút ra một kết luận chính trị căn bản sau các cuộc thảo luận trong khu vực, đó là: “Đảm bảo tốt nhất cho an ninh của Israel là thành lập một nhà nước Palestine”. Theo ông, Israel không nên chiếm đóng Gaza sau khi xung đột kết thúc và cần chuyển giao quyền kiểm soát vùng lãnh thổ này cho Chính quyền Palestine. Ông khẳng định: “Dù có nhiều thách thức lớn, chúng ta phải hướng đến ổn định của Gaza và tương lai nhà nước Palestine”.
Sau cuộc tấn công Israel ngày 7/10, Hamas và các lực lượng Palestine khác đã bắt giữ khoảng 240 con tin và mang về Dải Gaza. Tính tới 22/11, giao tranh giữa hai bên đã khiến 1.200 người Israel và trên 13.000 người Palestine thiệt mạng. Cơ sở hạ tầng ở Dải Gaza bị phá hủy nghiêm trọng, tình hình nhân đạo ở dải đất này cũng khiến cả thế giới lo ngại.