Theo các nguồn tin, tình hình dịch bệnh hiện nay ở Mông Cổ, nơi tổ chức sự kiện, đang phức tạp nên khó có khả năng "Đối thoại Ulaanbaatar" có thể diễn ra.
Sự kiện thường niên tại thủ đô của Mông Cổ này là một trong những cơ hội hiếm hoi để giới chức Nhật Bản và Triều Tiên gặp gỡ và trao đổi các vấn đề quan tâm trong bối cảnh 2 quốc gia này chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Việc đối thoại chính thức bị hoãn cũng kéo theo giới chức 2 nước không thể thực hiện các liên hệ bên lề diễn đàn. Hiện giữa 2 nước còn tồn tại vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc vào những năm 1970 và 1980.
Sáng kiến “Đối thoại Ulaanbaatar về An ninh Đông Bắc Á” được đưa ra lần đầu tiên năm 2013 và tổ chức thường niên từ năm 2014. Mục tiêu ban đầu của Diễn đàn là tháo ngòi căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy xây dựng lòng tin và kiến tạo hòa bình trong khu vực. Theo thời gian, diễn đàn được tổ chức theo cơ chế mở và bao trùm, có sự tham gia của đại diện các nước tiểu vùng; nội dung thảo luận được mở rộng với một loạt lĩnh vực như an ninh, năng lượng, cơ sở hạ tầng, phát triển xanh, cơ hội hợp tác nhân đạo và các vấn đề khác.
Tham dự Diễn đàn hằng năm có hơn 200 đại biểu quốc tế, đại diện các chính phủ, Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, các tổ chức nghiên cứu. Các chính phủ được mời tham dự không chỉ gồm các nước Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Nga và Mông Cổ), mà còn từ các châu lục khác như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số nước khác.