Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, phát biểu với báo giới ngày 12/1, ông Lý Bảo Đông, Tổng Thư ký Ban Thư ký BFA, đã trình bày ngắn gọn với truyền thông về hội nghị thường niên BFA năm 2022. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng thời gian chính xác để tổ chức sự kiện này cần phải được cân nhắc cẩn thận và sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh COVID-19.
Sự kiện năm nay sẽ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp, có bổ sung các liên kết trực tuyến. Tổng Thư ký Lý Bảo Đông cho biết các nhà lãnh đạo và quan chức chính phủ của nhiều quốc gia và khu vực, người đứng đầu các tổ chức quốc tế, khách mời thuộc giới kinh doanh và học thuật cũng như giới truyền thông sẽ tập trung và thảo luận về sự phát triển của châu Á cũng như thế giới sau đại dịch COVID-19. Ông Lý Bảo Đông nhấn mạnh sự cần thiết phải tích cực định hình xu hướng phát triển sau đại dịch với viễn cảnh hướng tới tương lai.
Năm ngoái, BFA diễn ra từ ngày 18-21/4. Đây là hội nghị quốc tế trực tiếp quy mô lớn đầu tiên trên thế giới trong năm 2021, nhờ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả ở Trung Quốc, với sự tham dự của khoảng 2.000 khách mời.
Theo ông Lý Bảo Đông, BFA 2022 sẽ chủ yếu thảo luận về các vấn đề liên quan 6 chủ đề: đại dịch COVID-19, nền kinh tế thế giới, phục hồi xanh và phát triển bền vững, kinh tế kỹ thuật số, hợp tác quốc tế và sự tiến triển quản trị của hợp tác khu vực ở châu Á.
Tổng Thư ký Lý Bảo Đông nói rằng BFA sẽ ủng hộ chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế chặt chẽ hơn, đồng thời thúc đẩy quản trị toàn cầu. Ông đặc biệt đề cập đến Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), nhấn mạnh rằng hội nghị thường niên của BFA sắp tới sẽ khám phá các cơ hội của RCEP và sự phát triển trong tương lai của thỏa thuận này. Ông Lý Bảo Đông bày tỏ tin tưởng rằng hội nghị năm nay cũng sẽ thành công.
RCEP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, đánh dấu sự hình thành của khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới về khối lượng thương mại. Hiệp định trước tiên có hiệu lực lần đầu tiên với 10 quốc gia, bao gồm 6 thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam, cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Australia.