Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg thường niên lần thứ 23 (SPIEF) ngày 7/6, Tổng thống Putin nhấn mạnh đây không phải là áp đặt một quy tắc cứng nhắc đơn lẻ và duy nhất đối với các nước, mà trên hết là sự hài hòa các lợi ích kinh tế quốc gia. Theo đó, các nguyên tắc tương tác, cạnh tranh và hợp tác giữa các nước nên dựa trên những mô hình đa dạng về phát triển, đặc thù và lợi ích của họ. Theo Tổng thống Putin, việc phát triển các nguyên tắc như vậy nên diễn ra một cách cởi mở và dân chủ nhất có thể. Trên cơ sở này, hệ thống thương mại toàn cầu cần phải thích ứng với những thực tế hiện đại và tăng cường hiệu quả công việc của WTO. Ngoài ra, ông cũng cho rằng mô hình phát triển toàn cầu bền vững chỉ có thể được đảm bảo trên cơ sở các thỏa thuận quốc tế mới được các nước tôn trọng.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Australia và Trung Quốc đều đã kêu gọi cải cách thể chế WTO. Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định WTO vẫn là nền tảng tốt nhất để đảm bảo sự thịnh vượng tiếp tục trong một thế giới thay đổi nhanh chóng. Ông nêu rõ các nước cùng chí hướng, bao gồm cả Australia và Anh, cần hỗ trợ cải cách WTO để sửa đổi, chứ không hủy bỏ, hệ thống thương mại dựa trên luật lệ. Trong khi đó, Trung Quốc đã chính thức đệ trình “Văn bản kiến nghị của Trung Quốc về cải cách WTO” lên tổ chức này. Trước tình hình kinh tế thế giới hiện có sự điều chỉnh sâu sắc, chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, toàn cầu hóa kinh tế gặp khó khăn, tính quyền uy và tính hữu hiệu của thế chế thương mại đa phương đang bị thách thức nghiêm trọng. Trong bối cảnh này, Trung Quốc ủng hộ WTO tiến hành cải cách để giải quyết khủng hoảng trước mắt, đáp ứng được với nhu cầu phát triển của thời đại, bảo vệ thể chế thương mại đa phương.
Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg là một trong những sự kiện quốc tế lớn có uy tín hằng năm quy tụ đông đảo các nhà lãnh đạo chính trị, các tập đoàn, đại diện các tổ chức khu vực và quốc tế… nhằm thảo luận các vấn đề quan trọng có tác động đến sự phát triển kinh tế toàn cầu. Năm 2018, SPIEF đã thu hút sự tham gia của khoảng 17.000 đại biểu đại diện cho hơn 140 nước trên thế giới. Trong khuôn khổ diễn đàn năm ngoái, 593 thỏa thuận đã được ký kết với tổng trị giá hơn 2.600 tỷ rúp (khoảng 40 tỷ USD).