Phát biểu trước giới truyền thông ngày 14/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết lĩnh vực tài chính của Nga “miễn nhiễm” trước các tác động từ vụ khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ, và nguyên do phần lớn là nhờ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Khi được hỏi về vụ phá sản của các ngân hàng tại Mỹ dẫn tới một sự xáo trộn ngành tài chính toàn cầu, người phát ngôn Peskov cho biết những vấn đề đang xảy ra trong hệ thống ngân hàng Mỹ không thể ảnh hưởng tới Nga.
“Tất nhiên hệ thống ngân hàng của chúng ta có một số mối liên hệ nhất định với một số phân khúc của hệ thống tài chính quốc tế, nhưng phần lớn đang bị hạn chế một cách bất hợp pháp”, ông Peskov nói thêm các biện pháp trừng phạt là một điều may mắn bởi vì gần như Nga miễn nhiễm với các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng hiện nay.
Năm ngoái, Mỹ đã ban hành các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, ngăn chặn 10 ngân hàng chủ chốt của Nga tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế SWIFT chịu trách nhiệm các giao dịch ngân hàng trên toàn cầu. 9/10 ngân hàng này cũng phải chịu biện pháp trừng phạt khi phương Tây cấm các tổ chức tài chính quốc tế khác hợp tác với họ.
Trước sức ép từ các quốc gia phương Tây, Nga đã đưa hệ thống giao dịch tài chính riêng SPFS vào sử dụng và có thể đóng vai trò thay thế cho SWIFT tại thị trường trong nước. Mặc dù mức độ bao phủ của hệ thống này vẫn còn nhỏ hơn nhiều so với SWIFT – nơi có 11.000 tổ chức tài chính trên toàn cầu – nhưng mức độ lan rộng của SPFS đã tăng tốc trong những tháng gần đây.
Trong khi đó, một loạt vụ phá sản ngân hàng vừa qua bao gồm Silvergate, Silicon Valley Bank và Singature Bank đã làm chấn động ngành tài chính Mỹ và tiếp tục làm náo loạn thị trường toàn cầu.
SVB - một trong những ngân hàng lớn nhất Thung lũng Silicon và lớn thứ 16 ở Mỹ - ngày 10/3 tuyên bố phá sản. Động thái khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên giao dịch cuối cùng tuần trước và làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu khi hàng tỷ USD tiền gửi của nhiều công ty và nhà đầu tư "mắc kẹt".
SVB sụp đổ sau khi khách hàng đổ xô tới rút tiền do lo lắng về tình trạng tài chính của ngân hàng. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng thương mại lớn thứ nhì trong lịch sử nước Mỹ, sau vụ ngân hàng Washington Mutual (WaMu) sụp đổ năm 2008 vào thời kỳ khủng hoảng tài chính.
Bộ Tư pháp Mỹ đã bắt đầu các bước đầu tiên trong quá trình điều tra vụ ngân hàng SVB phá sản. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết đang tiến hành đánh giá công tác quản lý với ngân hàng cũng như nguyên tắc hoạt động của chính SVB.
Sự sụp đổ của các ngân hàng đã làm dấy lên mối lo ngại về khả năng tài chính của toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ. Nhiều ngân hàng khác đã chứng kiến cổ phiếu lao dốc một cách chóng mặt sau khủng hoảng.