“Nếu có điều gì đó đe doạ đến sự tồn vong của đất nước chúng ta, thì vũ khí hạt nhân sẽ được triển khai”, đài RT (Nga) dẫn tuyên bố của ông Peskov đưa tin hôm 6/3. Ông nhấn mạnh không thể xem nhẹ mức độ nghiêm trọng của vấn đề này.
Vị quan chức này nói rằng theo học thuyết quản lý sử dụng vũ khí hạt nhân, việc triển khai loại vũ khí này còn được hiểu là “vũ khí tiễn biệt”.
Theo học thuyết hạt nhân của Nga, Moskva sẽ trả đũa bằng vũ khí hạt nhân nếu nước này hoặc các đồng minh phải hứng chịu cuộc tấn công trước.
Tháng 6 năm ngoái, khi nói về vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga không cần phải sử dụng loại vũ khí này vì chúng chỉ nhằm mục đích răn đe.
Tuần trước, trong bài phát biểu thường niên, viện dẫn những thắng lợi của nước Nga trong quá khứ, Tổng thống Putin khẳng định mọi ý định hay nỗ lực nhằm khuất phục nước Nga đều sẽ thất bại. Ông cũng cảnh báo những quốc gia thù địch với Nga sẽ phải đối mặt với kết cục bi thảm hơn nhiều. Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng Nga có kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, đang ở trạng thái “hoàn toàn sẵn sàng cho việc triển khai”.
Ông Putin bác bỏ các thông tin vô căn cứ của phương tiện truyền thông phương Tây rằng Moskva đang có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian. Người đứng đầu Điện Kremlin cũng coi đây là âm mưu của Mỹ nhằm thúc đẩy Nga đàm phán theo các điều khoản do Washington đặt ra.
Cùng thời gian đó, trích dẫn tài liệu được cho là dành cho sĩ quan hải quân Nga soạn thảo từ năm 2008 đến năm 2014, tờ Financial Times nhận định rằng ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm ngắn của Moskva có thể thấp hơn so với những gì các chuyên gia quốc phòng phương Tây đã ước tính.
Theo tờ báo này, quân đội Nga coi những tổn thất trên chiến trường là cơ sở hợp lý để sử dụng vũ khí hạt nhân, chẳng hạn việc các tàu ngầm tên lửa chiến lược, tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân bị phá hủy và nền an ninh quốc gia bị đe dọa.
Tài liệu mà Financial Times thu thập được cũng nói rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu 20% số tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chiến lược của nước này bị phá hủy. Các tàu ngầm thuộc loại này có khả năng phóng tên lửa hạt nhân.
Các ngưỡng khác của chiến tranh hạt nhân bao gồm kịch bản 30% tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của Nga bị tấn công.
Trước thông tin trên, ông Peskov tuyên bố Điện Kremlin “rất nghi ngờ” tính xác thực của các tài liệu bị rò rỉ này.