Điện Kremlin nói về thông điệp gửi tới phương Tây sau vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo

Ngày 22/11, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm mới vào Ukraine chính là thông điệp gửi tới phương Tây trước những hành động gây hấn vừa qua.

Chú thích ảnh
Hậu quả của cuộc tấn công bằng tên lửa của Liên bang Nga vào thành phố Dnipro, tỉnh Dnipropetrovsk của Ukraine, ngày 21/11/2024. Ảnh: Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp Quốc gia Ukraine/Telegram

Nội dung trên được ông Dmitry Peskov đưa ra ngay sau chỉ 1 ngày Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận Moskva đã phóng tên lửa siêu vượt âm mới Oreshnik vào một căn cứ quân sự của Ukraine. Động thái này nhằm đáp trả hành động của Kiev lần đầu tiên tấn công Nga bằng các loại tên lửa tầm xa do Mỹ và Anh sản xuất.

Trả lời phóng viên, người phát ngôn Điện Kremlin nói: "Thông điệp chính là các quyết định, hành động liều lĩnh của phương Tây khi sản xuất tên lửa, cung cấp cho Ukraine, sau đó tham gia vào các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga sẽ không thể không nhận phản ứng từ phía Nga".

Moskva nhận định việc Ukraine bắn tên lửa ATACMS và Storm Shadow vào khu vực Bryansk và Kursk của Nga là bằng chứng rõ ràng để xác định các nước Mỹ, Anh đang trực tiếp tham gia vào cuộc chiến hiện nay. Bởi lẽ, phía Ukraine không có khả năng tự mình vận hành dữ liệu vệ tinh để nhắm bắn mục tiêu cũng như lập trình đường bay thực tế của tên lửa. Những hành động đó chỉ có do quân nhân của NATO thực hiện.

Cũng trong ngày 22/11, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận tất cả các tên lửa của nước này đều bắn trúng mục tiêu và đây cũng là lần đầu tiên Nga sử dụng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung mang đầu đạn thông thường trong chiến đấu.

Về phía Ukraine, không quân nước này báo cáo rằng các lực lượng Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) thông thường cùng 7 tên lửa hành trình và một tên lửa đạn đạo Kinzhal, nhằm vào thành phố Dnipro của Ukraine vào sáng 21/11. Theo tờ The Kyiv Independent, vụ tấn công đã làm ít nhất 2 người bị thương và một số tòa nhà, bao gồm một trung tâm phục hồi chức năng cho người khuyết tật bị hư hại.

Tổng thống Ukraine Zelenskiy nhận định việc Nga sử dụng tên lửa mới là hành động leo thang nghiêm trọng và kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ.

Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết nước này đã thông báo cho Mỹ 30 phút trước khi phóng tên lửa. Tuy rằng về mặt kỹ thuật, nước này không có nghĩa vụ phải cảnh báo Mỹ về cuộc tấn công vì loại được sử dụng là tên lửa tầm trung chứ không phải tên lửa xuyên lục địa.

Việc này cũng đã được Lầu Năm góc xác nhận vào ngày 21/11 khi nói rằng Nga đã thông báo cho Mỹ trước khi tiến hành vụ phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung nhắm vào Ukraine. Phát biểu với các phóng viên, bà Sabrina Singh - Phó Thư ký cơ quan này cho biết Mỹ đã được thông báo trước một thời gian ngắn trước vụ phóng thông qua các kênh giảm thiểu nguy cơ hạt nhân.

Ông Peskov nhấn mạnh Tổng thống Putin vẫn để ngỏ việc tiến hành đối thoại nhằm giải quyết xung đột nhưng chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Mỹ Joe Biden lại muốn tiếp tục leo thang. Ông cũng kêu gọi Chính quyền Biden chú ý đến những cảnh báo mà Tổng thống Putin đã đưa ra vào hồi tháng 9.

Khi đó, Tổng thống Putin nhấn mạnh phương Tây sẽ được xem là trực tiếp tham chiến với Nga nếu cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa do phương Tây sản xuất. Đây là một động thái được Nga nhận định sẽ thay đổi bản chất và phạm vi của cuộc xung đột và buộc Moskva phải đưa ra "quyết định phù hợp" dựa trên các mối đe dọa mới.

Trong bài phát biểu trên truyền hình vào ngày 21/11, Tổng thống Putin cho biết Nga đã bắn tên lửa mới sau khi Ukraine, với sự chấp thuận của Chính quyền Biden, đã tấn công Nga bằng 6 tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất trong ngày 19/11 và các loại tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh và HIMARS của Mỹ vào ngày 21/11. Theo đó, Moskva đã tấn công công ty tên lửa và vũ trụ Yuzhmash - một doanh nghiệp tên lửa và quốc phòng tại thành phố Dnipro của Ukraine.

Người phát ngôn Điện Kremlin hy vọng Mỹ đã nhận ra và hiểu được thông điệp từ Moskva. Ông nói: "Về vấn đề đối thoại, ngay trong tuyên bố ngày hôm qua, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh sự sẵn sàng cho bất kỳ cuộc tiếp xúc nào, nhằm mục đích tránh leo thang căng thẳng thêm và đạt được hòa bình. Tuyên bố ngày hôm qua của Tổng thống Putin rất toàn diện, rõ ràng và hợp lý. Chúng tôi tin tưởng rằng chính quyền hiện tại ở Washington đã có cơ hội để hiểu đầy đủ được thông điệp trên".

Theo tờ The Kiev Independent, thông tin về tên lửa “Oreshnik” được Tổng thống Putin nhắc đến còn rất hạn chế. Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Yan Matveev nói với IStories rằng đây có thể là phiên bản sửa đổi của tên lửa Rubezh. Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-26 Rubezh được cho là có tầm bắn lên tới 6.000 km và có thể mang bốn đầu đạn, mỗi đầu đạn có uy lực nổ tương đương 0,3 megaton.

Chuyên gia quốc phòng và nhà nghiên cứu tại Đại học Oslo, ông Fabian Hoffmann, nói với The Kiev Independent rằng tên lửa RS-26 Rubezh được trang bị hệ thống đầu đạn phân hướng độc lập (MIRV - Multiple Independent Reentry Vehicles).

Trong khi đó, trong một cuộc phỏng vấn được hãng tin Reuters phát đi vào sáng 22/11, chuyên gia tên lửa Michael Bohnert, thuộc Tập đoàn RAND cho rằng việc Liên bang Nga sử dụng một tên lửa tầm xa để tấn công một mục tiêu rất gần được Moskva xem như một thông điệp gửi đến phương Tây.

Theo vị chuyên gia này, thông qua việc triển khai tấn công bằng tên lửa siêu vượt âm Oreshnik, Moskva đã cho thấy có thể triển khai lực lượng một cách an toàn trong lãnh thổ của mình - nơi không được tấn công. Điều này mang lại cho Nga lợi thế khi có thể hoạt động hiệu quả ở gần Ukraine, trong khi đây lại là một bất lợi lớn đối với Ukraine.

Khía cạnh thứ hai liên quan đến triển vọng đàm phán trong tương lai. Tổng thống Ukraine Zelensky đã yêu cầu phương Tây hỗ trợ để có khả năng răn đe chiến lược phi hạt nhân, bao gồm tên lửa tầm xa. Vì vậy, hành động của Nga cũng là một thông điệp rằng phương Tây không nên cung cấp khả năng tấn công tầm xa cho nhu cầu chiến thuật hiện tại của Ukraine. Mục đích là nhằm duy trì lợi thế an toàn cho các hoạt động của Liên bang Nga, thông qua loại bỏ các lựa chọn mà phương Tây có thể cung cấp cho Ukraine.

Do đó, chuyên gia Michael Bohnert nhận định: “Như vậy, đây vừa là một thông điệp chiến thuật, vừa mang tính chiến lược”.

Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo Kiev Independent, Reuters, TASS)
Xung đột Nga-Ukraine: Moskva đề cập tới ‘di sản tồi tệ nhất’ cho ông Trump
Xung đột Nga-Ukraine: Moskva đề cập tới ‘di sản tồi tệ nhất’ cho ông Trump

Moskva cho rằng vụ tấn công Dnipro bằng một loại tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Oreshnik mới được phát triển nhằm gửi thông điệp đến phương Tây rằng Liên bang Nga sẽ phản ứng trước những “quyết định và hành động liều lĩnh” của họ trong việc ủng hộ Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN