Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Sputnik/ TTXVN |
Điện Kremlin đưa ra tuyên bố trên sau khi Thượng viện Mỹ ngày 15/6 thông qua dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, trong đó có một số nhằm vào các dự án năng lượng của Nga như dự án đường ống dẫn dầu Dòng chảy phương Bắc 2 vận chuyển trực tiếp khí đốt của Nga ở dưới biển Baltic sang Đức.
Phản ứng về động thái trên, người phát ngôn của Chính phủ Đức, Steffen Seibert ngày 16/6 cho biết Thủ tướng nước này Angela Merkel quan ngại các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga có thể dẫn tới việc phạt các công ty châu Âu liên quan một số dự án năng lượng của Nga.
Phát biểu với báo giới tại Berlin, ông Seibert cho biết Thủ tướng Merkel có chung quan ngại như trong tuyên bố chung được Ngoại trưởng nước này Sigmar Gabriel và Thủ tướng Áo Christian Kern đưa ra ngày 15/6, theo đó cho rằng các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga mang đến "một tính chất hoàn toàn mới và hoàn toàn tiêu cực đối với các mối quan hệ Âu-Mỹ".
Theo ông Seibert, động thái của Thượng viện Mỹ là "lạ lùng" và "kỳ quặc", khi áp đặt các biện pháp nhằm trừng phạt Nga với cáo buộc Moskva can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ song lại có thể dẫn tới phạt các công ty của châu Âu và qua đó nhằm vào nền kinh tế châu Âu và điều này không được xảy ra.
Ông Seibert nhấn mạnh "điều này không được xảy ra", đồng thời nêu rõ Đức "phản đối các biện pháp trùng phạt gây những hệ quả vượt lãnh thổ, tức là ảnh hưởng đến các nước thứ ba".
Trong tuyên bố chung, Ngoại trưởng Đức Gabriel và Thủ tướng Áo Kern cũng cho biết không chấp nhận các lệnh trừng phạt "vượt lãnh thổ", cho rằng việc này vi phạm luật quốc tế.
Ngoài ra, hai bên cho rằng Washington dùng các lệnh trừng phạt để cắt nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu nhằm tạo điều kiện cho Mỹ xuất khẩu năng lượng sang châu Âu.
Tuyên bố chung nhấn mạnh "không được trộn lẫn các lệnh trừng phạt với lợi ích kinh tế", đồng thời khẳng định nguồn cung năng lượng của châu Âu do khu vực này tự quyết định.