Tạp chí Phố Uôn (Wall Street Journal) dẫn báo cáo phân tích của công ty công nghệ Nhật Bản Fomalhaut Techno Solutions đưa tin các mẫu điện thoại mới nhất của Huawei đã bắt đầu không bao gồm linh kiện Mỹ.
“Khi Huawei trình làng những chiếc điện thoại cao cấp này – và không có linh kiện Mỹ bên trong, đó được coi là một tuyên bố lớn”, nhà phân tích Christopher Rolland nhận định với WSJ.
Theo báo cáo của UBS-Fomalhaut, kể từ tháng 5, Huawei đã bổ sung một số nhà cung cấp không phải của Mỹ và có trụ sở tại các quốc gia khác. Huawei đã cắt giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Mỹ trong quá trình sản xuất điện thoại thông minh được tung ra thị trường từ tháng 5, bao gồm các điện thoại dòng Y9 Prime và Mate. Cụ thể, các thiết bị di động của dòng Mate được cài đặt chip do công ty bán dẫn NXP của Hà Lan sản xuất, như một phương án thay thế cho những linh kiện do công ty Cirrus Logic của Mỹ chế tạo.
Ông Handel Jones, Giám đốc điều hành Viện Chiến lược Kinh doanh Quốc tế (IBS), cho hay “việc không còn phụ thuộc vào nguồn cung Mỹ cho thấy các chiến lược mà Mỹ tìm cách cô lập Huawei đã không đạt được hiệu quả”.
Trước đó, giữa tháng 5, Huawei bị chính quyền Mỹ liệt vào “Entity List” (Danh sách Thực thể), đồng nghĩa với việc các công ty Mỹ phải xin giấy phép nếu muốn cung cấp các công nghệ và sản phẩm Mỹ cho Huawei.
Sau lệnh cấm, một loạt công ty công nghệ lớn như Google, Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom tuyên bố cắt đứt mọi thỏa thuận kinh doanh với Huawei liên quan đến việc chuyển giao phần cứng và phần mềm.
Đến tháng 8, Bộ Thương mại Mỹ nới lỏng một số lệnh trừng phạt tạm thời, cho phép Huawei duy trì và nâng cấp các ứng dụng hiện có với các nhà cung cấp Mỹ.
Kể từ sau khi bị Mỹ liệt vào "danh sách đen" nói trên, Huawei đã yêu cầu bộ phận sáng tạo phần mềm của công ty làm việc ở chế độ hết công suất – 24/7 – để đưa ra sáng kiến, tìm hệ điều hành thay thế nền tảng Android của Google.