Mùa Hè năm 2022 là mùa Hè nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử châu Âu. Lục địa này phải hứng chịu những đợt nắng nóng gay gắt và nạn hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thế kỷ, do biến đổi khí hậu khiến những đợt nóng kéo dài hơn và có cường độ mạnh hơn. Tình trạng này đã khiến những khu rừng giống như "mồi lửa", làm tăng nguy cơ xảy ra những vụ cháy rừng tàn khốc, thậm chí gây chết người.
Theo CAMS, thời gian và cường độ của các đợt nắng nóng tấn công châu Âu trong mùa Hè kết hợp với điều kiện khô hạn nói chung trên lục địa trong năm nay là nguyên nhân khiến số vụ cháy rừng tăng kỷ lục. Hệ thống Thông tin cháy rừng châu Âu (EFFIS) cho biết tổng diện tích rừng bị cháy tại 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) từ đầu năm tới giữa tháng 11 vừa qua là hơn 785.000 ha, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình chỉ hơn 317.000 ha trong giai đoạn 2006-2021.
CAMS ước tính tổng lượng khí thải carbon từ các vụ cháy rừng ở các nước EU và Vương quốc Anh trong giai đoạn 1/6 -31/8 là 6,4 megaton carbon, mức cao nhất trong những tháng này kể từ mùa Hè năm 2007.
Theo CAMS, trong khi xu hướng toàn cầu là lượng khí thải từ các vụ cháy rừng giảm nhờ số vụ cháy trảng cỏ ở các vùng nhiệt đới giảm, thì một số nơi trên thế giới đang chứng kiến lượng khí thải tăng lên. Nhà khoa học cấp cao của CAMS Mark Parrington nói: " Chúng tôi cũng tiếp tục xác định và theo dõi lượng khí thải do hỏa hoạn gia tăng đáng kể ở các khu vực khác nhau trên thế giới, nơi điều kiện nóng hơn và khô hơn làm tăng khả năng bắt lửa của thảm thực vật."
Những đám cháy lớn hoành hành khắp Tây Ban Nha và Pháp có nghĩa là các quốc gia này đã chứng kiến lượng khí thải carbon cao nhất từ tháng 6 đến tháng 8 kể từ khi CAMS bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 2003. CAMS cho biết các vụ cháy rừng này có tác động lớn đến chất lượng không khí trong khu vực.
Theo EFFIS, năm 2022 có thể chứng kiến số vụ cháy rừng cao kỷ lục tại châu Âu kể từ năm 2006. Trong báo cáo về các vụ cháy rừng năm 2021 được công bố tháng 11 vừa qua, trong đó bao gồm cả thông tin chi tiết về khu vực bị cháy năm 2022, EFFIS nêu rõ:"Cháy rừng hoành hành từ Tây sang Đông và khắp các quốc gia phía Bắc, Trung và Nam Âu là bằng chứng rõ ràng về tác động của tình trạng biến đổi khí hậu." Theo cơ quan này, các nước cần phải chuẩn bị tinh thần cho người dân về sống chung với cháy rừng xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn do biến đổi khí hậu.
Vào tháng 9 vừa qua, Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên hợp quốc cho biết sự tương tác giữa ô nhiễm và biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người trong thế kỷ tới, đồng thời kêu gọi các nước hành động để giảm thiểu những tác động này.