Qua tài liệu mật của CIA mà hãng thông tấn AFP (Pháp) tiếp cận được có thể thấy cơ quan tình báo này đã cố gắng huấn luyện chó, mèo, cá heo và các loài chim như bồ câu, quạ… cho các hoạt động mật.
Đặc biệt, trong đó có “điêp viên CIA bay cao” là con quạ có tên Do Da đã trở thành tài năng hàng đầu trong lớp huấn luyện điệp vên. Tuy nhiên, chú chim này sau đó đã biến mất khi vẫn “trong khóa đào tạo” vào đầu năm 1974.
Riêng đối với chương trình đào tạo loài chim, CIA còn thuê nhà nghiên cứu chim để tìm ra loài chim thường lui đến vùng Shikhany tại lưu vực sông Volga ở Đông Nam Moskva.
Theo tài liệu mật, CIA coi loài chim di trú là “cảm biến sống” bởi qua xét nghiệm cơ thể chúng có thể rút ra kết luận về loại thực phẩm chúng tiêu thụ và từ đó đúc kết được thành phần hóa học Liên Xô đang thử nghiệm.
Vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, CIA chuyển hướng đến các loài chim săn mồi và quạ với hy vọng có thể đào tạo chúng thực hiện các nhiệm vụ như thả thiết bị nghe lén, chụp ảnh.
Hãng Sputnik (Nga) cho biết theo tài liệu mật của CIA, Do Da là ứng viên tiềm năng nhất và là “ngôi sao của dự án”. Tuy nhiên, trong một chuyến huấn luyện, Do Da bị một đôi quạ khác tấn công và từ đó chú đã mất tích.
Sau đó, CIA đã mang về hàng trăm chú bồ câu, thử nghiệm bằng cách gắn camera để chúng bay quanh Mỹ và từ đó rút kết luận về việc liệu những chú chim này có thể được đào tạo trong quãng đường đặc thù hay không.
Mục tiêu trong nhiệm vụ của những chú chim bồ câu này là xưởng đóng tàu ở Leningrad (nay là Saint Petersburg). Trong quá trình đào tạo, một số chú chim bồ câu đã chụp được những bức hình hoàn hảo, song nhiều trong số đó đã bỏ đi cùng các thiết bị đắt tiền gắn trên người chúng.
CIA còn đầu tư nỗ lực vào đào tạo cá heo chiến đấu, theo đó chúng có nhiệm vụ lén vào cảng biển của Liên Xô, bơi cạnh tàu ngầm để thu thập dữ liệu… Tuy nhiên, theo tài liệu của CIA, những chương trình đào tạo chim, thú trong Chiến tranh Lạnh của cơ quan này đã không thành công.