Khi bị kết án ba năm tù giam hồi tháng 8/2015 vì phạm tội liên quan đến khủng bố Arif Setyawan được đưa tới nhà tù Salemba Prison ở Jakarta, nơi giam giữ những tội phạm khét tiếng nhất ở Indonesia, nhưng cũng nổi tiếng về sự đông đúc, quá tải.
Bước vào buồng giam, Arif có đôi chút ngỡ ngàng về mức độ tương đối sạch sẽ cũng như cơ sở hạ tầng ở nhà tù Salemba. Điều kiện sống không thực sự khủng khiếp như lo sợ lúc đầu, nhưng có một thứ khiến Arif e ngại: Hệ thống khóa cửa buồng giam.
Theo mô tả của Arif, đó là hệ thống mỗi buồng giam có một chìa khóa và toàn bộ chìa khoá trong mỗi phân khu trại giam sẽ do nhóm giám thị trực ngày hôm đó nắm giữ. Điều này có nghĩa là số phạm nhân ở buồng giam xa phòng giám thị nhất sẽ là đối tượng được mở cửa muộn nhất nếu xảy ra sự cố, đơn cử như cháy nhà tù.
Với những tù nhân ở trại Tangerang ở ngoại ô Jarkata, đây không còn là dự báo, mà đã trở thành hiện thực thảm khốc. Một đám cháy bùng phát rạng sáng ngày 8/9 đã lan rộng trong khu trại giam, làm 49 tù nhân thiệt mạng, trong đó có hai công dân nước ngoài người Nam Phi và Bồ Đào Nha. Vụ cháy cũng làm 70 người khác bị thương.
Theo giới chức chính quyền, giám thị tại trại giam đã cố tìm cách mở khóa một số buồng giam trong khu trại, nhưng bị lửa ngăn lại, không tiến vào trong được. Nhiều tù nhân bị chết cháy thương tâm, đến độ không còn nhận diện được thi thể.
Nhiều chuyên gia nhận định các khối nhà trại giam ở Indonesia đều có có bất cập do được xây dựng đã lâu. Như nhà tù Tangerang được xây năm 1972, hệ thống điện cũng chưa một lần được một nâng cấp kể từ đó. Đám cháy bén ra từ dãy nhà C, một trong bảy khu trại của nhà tù. Điều tra sơ bộ cho thấy nguyên nhân xảy ra cháy là do chập điện. Sáu quản giáo tại trại giam đã được lệnh tạm thời ngưng việc để phục vụ điều tra và có thể đối mặt với tội danh vô ý làm chết người.
Ngoài vấn đề xuống cấp, các nhà tù ở Indonesia còn nổi tiếng với nạn quá tải tù nhân. Như nhà tù Tangerang chỉ có sức chứa 600 tù nhân theo thiết kết ban đầu, nhưng đã phải tiếp nhận tới 2.000 tù nhân. Theo thống kê sơ bộ, hệ thống nhà tù ở Indonesia có năng lực giam giữ khoảng 130.000 tù nhân, nhưng con số tiếp nhận trên thực tế lên tới hơn 270.000 người tính đến thời điểm tháng 8/2020.
Một số quản giáo giấu tên ở Indonesia cho biết tình trạng quá tải ở các nhà tù khiến việc kiểm soát tù nhân và môi trường gặp khó khăn. Những thách thức mà đội ngũ quản giáo gặp phải gồm có bạo loạn từ tù nhân, tình trạng mất vệ sinh ở buồng giam và những khó khăn khi di chuyển phạm nhân trong các tình huống cháy nổ, thảm họa thiên nhiên.
Năm 2018, 6 sĩ quan cảnh sát đã thiệt mạng trong vụ đối đầu tại Sở Cảnh sát đặc nhiệm Cơ động (Mako Brimob) ở Depok, ngoại ô Jakarta, sau khi những cảnh sát này bị tù nhân phạm tội liên quan đến khủng bố bắt giữ làm con tin. Cũng trong năm 2018, hơn 100 tù nhân đã trốn khỏi trại giam ở tỉnh Aceh sau khi vượt qua vượt qua lực lượng cảnh sát trại giam.
Tình trạng quá tải tại nhà tù ở Indonesia được cho là xuất phát từ đối tượng phạm tội liên quan đến ma túy, vốn chiếm đến hơn 50% tổng số lượng phạm nhân bị giam giữ ở trại giam. Luật phòng chống ma túy năm 2009 của Indonesia quy định hành vi mua bán, phân phối, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, trồng và sản xuất thuốc phiện sẽ bị phạt tiền, cai nghiện bắt buộc, phạt tù và thậm chí là tử hình với tội danh buôn lậu ma túy.
Luật cũng đề ra cơ chế về chuyển những người nghiện bị giam tại tù sang các trung tâm điều trị, cai nghiện phụ thuộc. Nhưng việc triển khai không thống nhất, thiếu hiệu quả. Hệ quả là nhiều người phạm tội ở mức bạo lực thấp hoặc phi bạo lực - như ử dụng hay phụ thuộc vào ma túy, đều được chuyển vào các trại giam, thay vì điều sang các trung tâm hỗ trợ, chăm sóc y tế, xã hội tại cộng đồng.