Đài BBC (Anh) cho biết quốc gia 1,4 tỷ dân là thị trường tiêu thụ sữa lớn thứ hai thế giới với nguồn nhập khẩu đa dạng khắp nơi, từ New Zealand cho tới Đức.
Nhưng nhiều người dân Trung Quốc mắc chứng không dung nạp lactose. Trẻ em thường sản sinh được enzyme giúp chúng tiêu thụ được sữa nhưng theo thời gian, tỷ lệ giảm dần.
Người dân châu Âu lại có khả năng tiêu thụ được sữa ngay cả khi đã trưởng thành. Khu vực châu Á lại không như vậy, tính riêng tại Trung Quốc có tới 92% người trưởng thành khó dung nạp lactose. Cơ quan Y tế Dự phòng Trung Quốc cho biết khi trẻ em đến tầm 11-13 tuổi, chúng sẽ mất 40% khả năng dung nạp lactose.
Giáo sư Thomas Dubois tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho biết trong thế kỷ 20, kinh doanh sữa tại Trung Quốc thường không thu được nhiều lợi nhuận.
Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, sữa bột chủ yếu là sản phẩm dành cho trẻ em và người cao tuổi. Đến thập niên 90 và những năm đầu 2000, nhiều cơ sở sản xuất bơ sữa lớn được xây dựng tại Trung Quốc, sản phẩm sữa phổ biến hơn. Cũng từ đây, các sản phẩm từ sữa như sữa tươi tiệt trùng, sữa chua uống ngày càng phổ biến và có giá thành rẻ tại Trung Quốc.
Năm 2008 xảy ra bê bối bổ sung melamine vào sữa bột khiến 6 trẻ em thiệt mạng nhưng điều này chưa thể tác động mạnh đến việc tiêu thụ sữa về dài hạn tại Trung Quốc. Theo Giáo sư Dubois, hai công ty sữa lớn nhất của Trung Quốc khi đó giảm 80% doanh thu trong 10 ngày đầu sau khi bê bối này được phát hiện nhưng dần hồi phục được kinh doanh.
Giáo sư Dubois đã nhiều năm thắc mắc về lý do sữa ngày càng được tiêu thụ nhiều tại Trung Quốc. Khi bắt đầu cuộc nghiên cứu, ông đã tiếp cận một người lạ mặt đang uống sữa và hỏi họ cách xử lý vấn đề liên quan tới tiêu hóa. Người đó đã trả lời: "Nếu sữa gây khó chịu thì tôi sẽ dừng lại".
Lượng lactose tiêu thụ có thể tác động đến dạ dày, nhưng nếu tiêu thụ chỉ khoảng 1 cốc sữa/ngày khi người sử dụng sẽ không gặp rắc rối.
Một điều đáng chú ý là sản phẩm sữa chua ngày càng được ưa chuộng tại Trung Quốc, quá trình lên men giảm lượng lactose vì vậy không gây ảnh hưởng đến người sử dụng.