Tính trung bình, mỗi người dân Moskva được thụ hưởng 20 m2 diện tích cây xanh, một tỉ lệ cao gấp nhiều lần so với ở Tokyo, London hay Bắc Kinh. Điều này xuất phát từ hai yếu tố: Moskva khởi nguồn được xây dựng giữa các khu rừng ở Nga, kế đến là quá trình tạo dựng cảnh quan, xanh hóa môi trường ở thành phố này từ thế kỉ 18.
Pháo đài trên đồi và Vòng cung Đại lộ
Đồi Borovitsky, nơi tọa lạc của điện Kremlin, được đặt tên theo chữ “bor”, có nghĩa là “rừng” trong tiếng Nga. Thực tế, nơi đây từng là một rừng sồi vào thế kỉ 11 và nay là nơi tập trung của các tuyến phố trung tâm ở thủ đô Moskva.
Một ví dụ khác là Nhà thờ Thánh John, cũng từng được xây dựng trên nền một khu đất từng là cánh rừng cây du đặc trưng của Nga và giờ là quảng trường Novaya, cách không xa điện Kremlin. Nhà sử học chuyên nghiên cứu về Moskva Pyotr Sytin cho rằng nhà thờ này được đặt tên để ghi nhớ cánh rừng già từng giữ vai trò bảo vệ rìa phía đông của pháo đài Kremlin cho đến tận thế kỉ 15.
Những nơi này từng là những cánh rừng với cây mọc phổ biến là vân sam và thông. Người dân thành phố sau đó đốn hạ cây vì mục đích xây dựng. Moskva lúc đó đang trong thời kỳ mở rộng và rừng ở khu vực ngoại ô được phá đi để xây lên những khu nhà mới.
Nhưng chính những “vùng ngoại ô” rất gần với điện Kremlin này giờ lại là trung tâm của thành phố. Đến thế kỉ 17, những địa điểm như Quảng trường Trubnaya phần lớn vẫn được phủ kín bởi rừng. Đầu thế kỉ 19, vẫn có thể nhìn thấy nhiều rặng cây mọc ôm sát bức tường quanh điện Kremlin.
Catherine đại đế, vị nữ hoàng muốn cải tạo thủ đô cũ, đã ra lệnh xây dựng “Vòng cung Đại lộ”. Những đại lộ này được xây dựng trên nền “Thành phố trắng” (Belyi Gorod) vốn là vành đai phòng thủ thứ ba xung quanh Moskva được xây dựng bằng những bức tường đá, các công sự.
Nhà báo người Nga Vladimir Odoevsky hồi thế kỉ 19 từng viết rằng, Moskva được bao bọc bởi các đại lộ và đó không chỉ là công trình trang điểm cho thành phố, mà còn mang ý nghĩa quan trọng. Nhìn vào vành đai xanh này, người dân Moskva có thể tự hào kể rằng vào mùa hè hay mùa đông, bất kể người khỏe mạnh, ốm yếu, người lớn, trẻ nhỏ - tất cả đều có thể tản bộ quanh thành phố, đi giữa những rặng cây mà không sợ bị xe ngựa đâm vào.
Sau vụ hỏa hoạn năm 1812, một vành đai xanh nữa được dựng lên ở Moskva, với tên gọi “vòng Thượng uyển” (Sadovoye), một con phố rộng bao bọc khu trung tâm phát triển nhanh, với nhiều vườn hoa ở các khu nhà riêng.
Tiến trình “xanh hóa” kể từ đầu thế kỉ 20
Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ khởi nguồn từ cách mạng Tháng mười (1917) đã khiến dòng người đổ dồn về Moskva ngày một nhiều. Thành phố cổ xưa buộc phải điều chỉnh để thích ứng với sự chuyển đổi của nhà nước công nghiệp. Trong những năm 1930, chính quyền đã cho dọn bỏ “vòng Thượng uyển”. Cây cối tại nhiều quảng trường, tuyến phố bị đốn hạ, thậm chí có cả những bản kế hoạch phá hủy “Vành đai Đại lộ”.
Rất may, ý tưởng này bị gác lại. Năm 1947, đích thân nhà lãnh đạo Stalin giám sát việc tái thiết, xanh hóa trung tâm thành phố. Công việc được triển khai nhanh chóng. Cây được trồng ở quanh quảng trường Dzerzhinsky (nay là quảng trường Lubyanka), ga Okhotny Ryad, quảng trường Sverdlov (nay là quảng trường Teatralnaya) và quảng trường Bolotnaya.
Việc “xanh hóa” cũng được thực hiện trên một khu vực rộng lớn từ quảng trường Manezhnaya tới ga tàu điện ngầm Belorussky. Đây chính là những bước đi đầu tiên giúp phủ xanh khu vực trung tâm của Moskva.
Năm 1951, chính quyền Moskva chọn ra 272 dự án phủ xanh cây trồng ở thủ đô. Đến năm 1961, các công nhân trồng rừng đã trồng được hơn 500.000 cây và cây bụi trong thành phố, với nhiều loại cây như linden lá nhỏ, cây vân xam lá xanh, cây thông, cây bụi barberry, hoa hồng…
Giai đoạn này chứng kiến sự ra đời của một loạt những công viên công cộng lớn nhất ở Moskva, từ công viên Gorky, cho tới công viên Sokolniki, công viên Izmailovsky, vườn quốc gia Losiny Ostrov – công viên đô thị rộng nhất châu Âu với diện tích lên đến trên 300 km2.
Hiện tại, không gian xanh ở Moskva được kiểm soát nghiêm ngặt. Từ năm 2013, chính quyền thành phố đã đề ra sáng kiến trồng một triệu cây xanh, trong đó chú trọng tạo dựng cảnh quan sân vườn ở khu sân sau của các tòa nhà. Việc đốn hạ cây ở Moskva được quy định chặt chẽ. Nếu vì công việc xây dựng, nhà thầu, nhà đầu tư vẫn có thể chặt cây, nhưng phải bảo đảm nguyên tắc đốn một cây cũ phải trồng đủ hai cây mới.