Phát súng khởi đầu diễn ra trong tháng 12/2018 khi Canada đã bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu theo đề nghị của Mỹ. Sau đó, Trung Quốc tạm giữ 3 công dân Canada với một người đã nhận án tử hình. Phía Mỹ cũng lên tiếng chính thức đệ đơn đề nghị dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu với thời hạn cuối là ngày 30/1.
Tờ Guardian (Anh) cho biết có thông tin Mỹ đang điều tra Huawei với nghi vấn ăn trộm bí mật thương mại. Trong khi đó, các chính khách Mỹ đã kêu gọi cấm bán vi mạch điện tử và nhiều linh kiện khác sản xuất tại Mỹ cho Huawei.
Không chỉ dừng tại Mỹ, đồng minh của Washington cũng quay lưng lại với Huawei. Trong tháng 1, công ty Vodafone (Anh) tuyên bố ngừng sử dụng linh kiện của Huawei trong hệ thống điện thoại di động. Trường Đại học Oxford và Quỹ từ thiện Prince’s Trust của Thái tử Anh Charles đã thông báo không nhận tiền ủng hộ từ Huawei. New Zealand và Australia cũng cấm thiết bị của Huawei trong triển khai hệ thống 5G.
Ba Lan đã bắt giữ một nhân viên người Trung Quốc của Huawei với cáo buộc gián điệp và chính phủ quốc gia này cũng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) loại bỏ sản phẩm của Huawei ra khỏi thị trường.
Về phần mình, Huawei cố gắng tự tạo hình ảnh là kẻ ngoài cuộc vô tội bị lôi vào cuộc chơi chính trị. Tuy nhiên, nhiều nhà chỉ trích đã đề cập đến mối quan hệ giữa nhà thành lập Huawei Nhậm Chính Phi và Chính phủ Trung Quốc.
Ông Nhậm Chính Phi từng là kỹ sư trong quân đội Trung Quốc và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1978. Huawei được mệnh danh là “nhà vô địch quốc gia” của Trung Quốc còn ông Nhậm Chính Phi nằm trong danh sách 100 doanh nhân “bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ về tốc độ phát triển “như tên lửa” của Huawei. Huawei thành lập năm 1987 tập trung kinh doanh thiết bị viễn thông tại vùng nông thôn Trung Quốc trong vòng vài thập niên đã lớn mạnh thành nhà cung cấp hàng đầu thế giới và là công ty sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai toàn cầu. Hiện Huawei kinh doanh tại hơn 170 quốc gia với 180.000 nhân viên. Cựu nhà báo Li Datong nhận xét Huawei có thể nắm thị phần lớn khiến nhiều người băn khoăn xuất hiện thế lực đứng đằng sau công ty này.
Mỹ đã chú ý đến mối quan hệ của Huawei với Chính phủ Trung Quốc từ năm 2010. Đến năm 2015, khi Huawei nổi lên ngôi vị nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất khiến các quan chức Mỹ càng lo ngại công ty này có thể trở thành công cụ để “do thám” Mỹ.
Sau nhiều năm im ắng ở hậu trường, bất ngờ trong tháng 1 này ông Nhậm Chính Phi đã lên tiếng khẳng định Huawei không bao giờ thực hiện công việc do thám.
Trên thực tế, mọi công ty hoạt động tại Trung Quốc đều buộc phải chấp nhận cung cấp thông tin cho chính phủ. Luật tình báo quốc gia Trung Quốc quy định mọi tổ chức và cá nhân phải “hỗ trợ và hợp tác trong việc liên quan đến tình báo quốc gia”. Theo luật, mọi công ty và công dân Trung Quốc phải cung cấp thông tin thành thật. Như vậy, Huawei không thể là ngoại lệ.