Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Trung Quốc đang cử một phái đoàn ngoại giao tới 8 nước thuộc Trung và Đông Âu, trong bối cảnh quốc gia châu Á này tìm cách xóa tan những nghi ngờ ngày càng gia tăng ở khu vực này liên quan đến tuyên bố “quan hệ đối tác không giới hạn” với Moskva.
Đây sẽ là phái đoàn ngoại giao Trung Quốc đầu tiên tới Đông Âu kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2.
Bà Huo Yuzhen, đại diện đặc biệt của Trung Quốc về Hợp tác Trung Quốc – Trung và Đông Âu, sẽ dẫn đầu đoàn ngoại giao tới 8 nước, bao gồm Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary, Croatia, Slovenia, Estonia, Latvia và Ba Lan.
Chuyến đi được thực hiện sau khi nền tảng “17+1” của Trung Quốc – nỗ lực kéo dài 10 năm của nước này trong việc xây dựng quan hệ với 17 nước Trung và Đông Âu – gặp trở ngại vào năm ngoái khi Lítva trở thành quốc gia đầu tiên rút khỏi nhóm với lý do lợi ích thương mại không được lớn như kỳ vọng.
Mối quan hệ khăng khít giữa Vilnius với Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã khiến Bắc Kinh tức giận, dẫn đến các căng thẳng thương mại và ngoại giao giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu, trong đó Lítva là thành viên.
Justyna Szczudlik, nhà phân tích chuyên Trung Quốc của Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan, cho biết chuyến đi sẽ là "một chuyến thăm khống chế thiệt hại" vì các nước Trung và Đông Âu "rất thất vọng" trước quan điểm của Bắc Kinh về chiến dịch của Nga tại Ukraine.
Ông Wang Yiwei, giáo sư nghiên cứu về châu Âu tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho biết chuyến thăm là “rất kịp thời và cần thiết” vì Bắc Kinh cần làm rõ lập trường của mình về xung đột tại Ukraine.
“Trước hết, Trung Quốc phải làm rõ mối quan hệ chính xác Trung-Nga là gì. Thứ hai, Trung Quốc và Nga là hai quốc gia khác nhau, và thứ ba, quan điểm của Trung Quốc đối với xung đột Nga-Ukraine như thế nào, từ đó để xem Trung Quốc có giành được sự ủng hộ từ những quốc gia Trung và Đông Âu hay không”, Giáo sư Wang nói.
Kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, các quốc gia Baltic và Trung Âu đã tăng cường các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga, trong khi các nước như Cộng hòa Séc, Slovakia, Slovenia, Estonia và Latvia đã gửi viện trợ quân sự cho Ukraine.
Ba Lan, quốc gia có đường biên giới dài 530 km với Ukraine, trở thành trung tâm hỗ trợ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối với quốc gia đang gặp khó khăn này.
Giáo sư Wang cho rằng đang có “một sự hiểu nhầm lớn” từ các nước Trung và Đông Âu đối với “quan hệ chiến lược toàn diện” giữa Bắc Kinh và Moskva.
“Các nước Baltic cũng như những quốc gia Đông Âu tin rằng quan hệ đối tác ‘không giới hạn’ đồng nghĩa với mối quan hệ đồng minh giữa Trung Quốc và Nga, cũng như thể hiện Bắc Kinh đang ủng hộ Moskva. Trung Quốc phải làm rõ rằng quan hệ đối tác không giới hạn chỉ mang tính chất răn đe đối với Mỹ”, ông lý giải.
Chuyên gia Szczudlik chỉ ra với chuyến thăm lần này, phái đoàn Trung Quốc sẽ phải thuyết phục các nước Đông Âu còn lại rằng vẫn còn cơ hội hợp tác trong nền tảng 16+1. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng vì sự ra đi của Lítva vốn dĩ đã đẩy cơ chế vào một “cuộc khủng hoảng sâu sắc”.