Phát biểu khai mạc sự kiện, Chủ tịch Phòng Thương mại Cuba Antonio Carricarte kêu gọi doanh nhân hai nước nghiên cứu các lệnh bao vây cấm vận để từ đó tìm ra những cách thức linh hoạt và hình thức kinh doanh mới giúp tăng cường sự hiện diện của doanh nhân Mỹ trong giai đoạn phát triển hiện tại của đảo quốc Caribe.
Theo ông Carricarte, Cuba phụ thuộc nhiều vào ngoại thương và nhập khẩu chiếm tới 17% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này trong những năm gần đây. Mỹ có sự gần gũi về địa lý với Cuba, cùng vị thế và khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế quốc tế, song tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa Mỹ của Cuba vẫn còn khiêm tốn, chỉ đạt 370 triệu USD năm 2021 so với tổng giá trị nhập khẩu hơn 8 tỷ USD.
Chủ tịch Phòng Thương mại Cuba nhấn mạnh đến những chuyển đổi gần đây của nền kinh tế nước này, đặc biệt là quyết định chấp thuận hoạt động của các công ty tư nhân siêu nhỏ, nhỏ và vừa như một nhân tố năng động trong hoạt động ngoại thương, và nhận định doanh nhân Mỹ đang bỏ lỡ nhiều cơ hội tại đảo quốc láng giềng.
Đại diện của Focus Cuba Peter Phillips nêu bật những tiến bộ đáng kể của “Hòn đảo Tự do” trong việc khuyến khích các thành phần kinh tế phi nhà nước tham gia vào nền kinh tế, bất chấp những khó khăn thường trực do các biện pháp bao vây cấm vận gây ra. Ông Peter Phillips cho rằng diễn đàn là cơ hội để doanh nhân hai nước xem xét toàn bộ phạm vi hợp tác khả thi. Việc đối tác nước ngoài liên kết với doanh nghiệp tư nhân của Cuba vẫn còn là điều mới mẻ, và sự kiện này là dịp để các doanh nhân Mỹ có thể thẳng thắn trao đổi với chính phủ và đối tác Cuba về những chính sách liên quan.
Diễn đàn sẽ kéo dài đến ngày 28/10 với nhiều hội thảo và một vòng đàm phán kinh doanh về các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và công nghệ. Theo chương trình, các đại biểu sẽ thăm một số cơ sở khoa học của Cuba như Trung tâm Kỹ thuật di truyền và Công nghệ sinh học (CIGB), Vườn ươm Khoa học và Công nghệ của La Habana và Trang trại “Vista Hermosa”.