Người nghe cũng dễ dàng bị cuốn hút bởi những câu chuyện về cuộc đời đầy thăng trầm từ một cô bé gốc Ấn Độ phải sống trong khu tập trung dưới chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid đến một “nữ tướng” điều hành các tập đoàn trị giá hàng triệu USD, đồng thời tự sáng lập một nhãn hiệu thời trang của riêng mình với tham vọng là cạnh tranh với những nhãn hiệu hàng đầu trên thế giới.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Nam Phi nhân dịp gặp gỡ một nhóm phụ nữ quốc tế tại cửa hàng thời trang của mình ở thành phố Johannesburg nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, bà Gounden cười nói: “Cho đến giờ, tôi đã sống một cuộc sống thú vị và trải qua một ‘lịch sử công việc’ rất khác thường”.
Bà Gounden có một tuổi thơ bình dị, vô tư và hạnh phúc, lớn lên trong một ngôi nhà nhỏ ở một khu vực đa chủng tộc gần thành phố Durban, tỉnh KwaZulu-Natal, cùng với ông bà và hai gia đình khác, những người "quyết tâm cải thiện chất lượng cuộc sống của họ thông qua giáo dục". Bà kể lại: “Ông tôi đến đất nước này với tư cách là một lao động nhập cư và đã làm cật lực để cuối cùng trở thành chủ sở hữu của một trang trại hoa hồng. Tôi lớn lên kiếm thêm tiền tiêu vặt bằng cách hái hoa hồng và mẹ tôi sẽ mang đi chợ để bán”. Cuộc sống lúc đó còn nhiều khó khăn, “không có điện cũng như nước nóng và thường xuyên bị đói”, nhưng ký ức tuổi thơ của bà “hầu hết là những khoảng thời gian hạnh phúc".
Nhưng rồi trang trại hoa hồng thời thơ ấu đã bị tàn phá khi gia đình bà bị cưỡng ép phải dời đến thị trấn dành cho người gốc Ấn theo Đạo luật các khu vực nhóm người, vốn quy định những người “không phải là da trắng” buộc phải chuyển đi sinh sống và làm ăn tại các khu dành riêng cho họ. Tuổi thơ hồn nhiên và bình dị của cô bé Vanessa Gounden mới lên 10 từ đó dần được định hình bởi sự tàn bạo của chế độ Apartheid. Bà Gounden tâm sự: “Tất nhiên, đó là một kinh nghiệm đau thương rất sâu sắc”.
Bất chấp những khó khăn, bố mẹ bà Gounden luôn cố gắng để cuộc sống của bà và 2 em trai thoải mái nhất có thể. Chứng kiến nỗi thống khổ của cha mẹ và ông bà cũng như sự mất mát những gì họ đã dầy công tích cóp đã làm dấy lên những nhận thức chính trị của cô bé Gounden. Bà kể lại: “Đây là một sự thức tỉnh lớn và một cú sốc văn hóa và khiến tôi muốn phá bỏ tất cả những rào cản vô hình đang ngăn cản cơ hội tiếp cận với sự phát triển của bản thân mình”.
Bà cho biết: “Tôi luôn được động viên phải cố gắng hết mình. Mẹ tôi, một người phụ nữ rất cầu tiến, đã khuyến khích tôi tự bảo vệ mình. Điều này dẫn đến việc tôi phát triển tính cách của một người luôn vượt qua ranh giới, phấn đấu cho sự xuất sắc và tin rằng không gì là không thể”.
Khi còn là một thanh niên, bà Gounden đã gia nhập đảng cầm quyền hiện tại – đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) - và tích cực tham gia vào phong trào công đoàn cũng như các phong trào chống lại nạn phân biệt chủng tộc. Bà cùng bạn trai Sivi, về sau cũng trở thành chồng của bà vào năm 1989, thường bị bắt vì kích động chính trị. Tuy nhiên, bà vẫn luôn giữ lập trường kiên định, kết hợp hoạt động chính trị với việc tốt nghiệp Đại học Pretoria chuyên ngành quản trị nhân sự và trở thành giáo viên tiểu học.
Khi đảng ANC giành được quyền lực vào năm 1994, cả hai người đều được mời vào làm cho chính quyền của Tổng thống Nelson Mandela, với nhiệm vụ chung tay xây dựng lại một đất nước Nam Phi mới. Đến năm 2003, bà Gounden và chồng quyết định nghỉ hưu sớm và thành lập công ty riêng dựa trên số tiền lương hưu của hai người gộp lại. Dự án đầu tiên đầu tư vào các nhà máy điện sản xuất ra năng lượng "sạch" đã thất bại thảm hại, khiến hai vợ chồng rơi vào cảnh nợ nần. Nhưng dự án sau đó liên quan đến quyền khai thác bạch kim tại một vài trang trại đã giúp họ vực dậy, thành công nối tiếp thành công trong các dự án đầu tư khác nữa đã đưa Tập doàn HolGoun của vợ chồng bà trở thành tập đoàn lớn mạnh tại Nam Phi, được định giá cả trăm triệu USD. Bà Gounden luôn được biết đến như người phụ nữ đầu tiên làm lãnh đạo trong lĩnh vực khai thác mỏ tại Nam Phi.
Vào năm 50 tuổi, bà Gounden lấn sân sang một lĩnh vực hoàn toàn mới trong sự nghiệp nhưng lại là niềm đam mê từ lâu – trở thành nhà thiết kết thời trang. Bà cho biết: "Khi còn bé, chúng tôi quá nghèo để có thể mua quần áo mới, vì vậy mẹ tôi thường may váy cho tôi từ các loại vải mẹ tìm được. Mẹ luôn biết cách làm một cái gì đó thật phong cách”.
Với ước muốn tiếp tục công việc của mẹ mình, bà Gounden đã đưa ra nhãn hiệu thời trang Vanessa G tại các cửa hàng của riêng mình tại Nam Phi và Vương quốc Anh. Nhãn hiệu Vanessa G cũng đã tham dự các tuần lễ thời trang tại Nam Phi, London (Anh) và New York (Mỹ). Bà cho biết những mẫu thiết kế của mình thường lấy cảm hứng từ di sản văn hóa Nam Phi và kết hợp với truyền thống của các nghệ nhân địa phương và kỹ năng có được từ nhiều thập kỷ của các chuyên gia nổi tiếng trong ngành dệt may để tạo ra “những kiệt tác truyền cảm hứng”. Bà chia sẻ: “Tôi lấy cảm hứng từ những gì chưa từng được làm trước đây - kết hợp thời trang và nghệ thuật nguyên bản. Tôi gọi nó là 'nghệ thuật' thời trang cao cấp hay 'nghệ thuật có thể mặc được', và ý tưởng là mọi trang phục đều vượt qua ranh giới của thời trang và nghệ thuật để trở thành một tiêu điểm". Bà Gounden cũng luôn ấp ủ mục tiêu “trở thành Coco Chanel tiếp theo" và “muốn tạo ra một thương hiệu toàn cầu cao cấp nhất để cạnh tranh với những thương hiệu như Prada và Louis Vuitton”.
Cô Nazira Khamissa, một khách hàng của nhãn hiệu Vanessa G, cho biết cô vẫn mua các trang phục của nhãn hiệu này cho dù giá cả không hề rẻ vì cô thấy được sự quan tâm tỉ mỉ đến từng chi tiết và chất liệu vải sang trọng trên từng sản phẩm.
Tại Nam Phi, số lượng nữ doanh nhân trong những năm gần đây đã tăng lên đáng kể. Bất chấp khoảng cách giới tính và tác động của đại dịch COVID-19, phụ nữ Nam Phi đang ngày càng tiến bộ trong vai trò doanh nhân, cho thấy một ý chí mạnh mẽ và quyết tâm để tồn tại. Theo Chỉ số Mastercard Doanh nhân nữ (MIWE) mới nhất, được công bố bên lề Hội nghị thượng đỉnh FORBES WOMAN AFRICA 2022 hằng năm do Mastercard, Nam Phi đã tăng một bậc từ năm 2020 lên hạng 37 năm 2021. Mặc dù “tỷ lệ hoạt động kinh doanh của phụ nữ” giảm ở hầu hết các nền kinh tế trong thời kỳ đại dịch, Nam Phi là một trong 12 nền kinh tế duy nhất có tỷ lệ hoạt động kinh doanh của phụ nữ tăng lên, với 11,1% phụ nữ trong độ tuổi lao động tham gia vào các hoạt động kinh doanh (tăng từ 10,2% năm 2020) so với nam giới là 11,7% (tăng từ 11,4% năm 2020).
Bà Gounden cho biết con đường để trở thành nữ doanh nhân thành công sẽ khác nhau với mỗi người, nhưng có một điểm chung mà hầu hết các doanh nhân đều có là động lực vươn tới thành công.
Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN về tự miêu tả bản thân mình, bà Gounden cho biết bà là một người “sáng tạo, mãnh liệt và cầu toàn” trong bất cứ một công việc gì mình bắt tay vào. Bà cười và nói: “Sự thật là tôi luôn tràn đầy năng lượng với công việc. Tôi cảm thấy như thể tôi chỉ mới bắt đầu".