Theo các hãng dược phẩm và các cửa hàng bán thuốc, doanh số bán các loại thuốc ngậm và nước súc miệng, thuốc trị ho và thuốc giảm đau không kê đơn đã tăng vọt. Xu hướng này đã xuất hiện ngay cả ở các quốc gia nơi số lượng xét nghiệm chính thức dường như cho thấy số ca mắc COVID-19 đang giảm. Như vậy, lượng bán thuốc không kê đơn trong siêu thị và hiệu thuốc có thể là một chỉ dấu hữu ích về tình trạng lây nhiễm COVID-19, trong bối cảnh các chính phủ trên khắp thế giới giảm số lượng xét nghiệm và hướng tới "sống chung với COVID-19".
Singapore và các quốc gia khác đã bắt đầu chuyển sang căn cứ vào kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên - vốn được xem là có độ chính xác và độ nhạy thấp hơn so với xét nghiệm PCR để phát hiện ca mắc COVID-19. Vương quốc Anh cũng sẽ giảm đáng kể nguồn cung cấp bộ dụng cụ xét nghiệm miễn phí từ tháng 4 tới.
Trao đổi với báo giới, ông Alex Cook, Phó Trưởng khoa nghiên cứu tại Trường Y tế công Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết nhiều quốc gia sẽ cần phải tìm kiếm những phương pháp thay thế để có thể giúp các chuyên gia y tế và giới chức các nước hiểu sâu hơn về các ca bệnh chưa được chẩn đoán. Trong trường hợp này, việc quan sát hoạt động bán thuốc không cần kê đơn được xem là một phương án khả thi.
Doanh số bán thuốc trị ho tăng vọt do 3 yếu tố: các nước nới lỏng các biện pháp hạn chế và bước vào giai đoạn bình thường mới, sự gia tăng số ca nhiễm biến thể Omicron trên toàn cầu và các triệu chứng của biến thể này tương tự các triệu chứng cảm lạnh hoặc cúm thông thường so với các biến thể trước đó. Các cơ quan y tế cho biết các triệu chứng phổ biến khi nhiễm Omicron - bao gồm đau họng, đau đầu và ho - có thể thuyên giảm nhờ những loại thuốc trị triệu chứng ở các hiệu thuốc hay siêu thị.
Theo Chủ tịch hãng dược phẩm iNova khu vực châu Á Sacha Ernst, trong tháng 2 vừa qua, doanh số bán các sản phẩm dành cho các vấn đề về họng ở toàn châu Á - chẳng hạn viên ngậm và nước súc miệng - cao gấp 2,5 lần so với một năm trước đó. Doanh số bán những sản phẩm này ở Singapore đã tăng gấp 3,7 lần và tăng 22% so với tháng 2/2019, trước khi đại dịch bùng phát. Các tập đoàn sản xuất các sản phẩm liên quan sức khỏe - tiêu dùng đang được hưởng lợi. Đơn cử doanh số bán thuốc không kê đơn của tập đoàn Reckitt Benckiser đã tăng 40% trong quý IV/2021.
Theo ông Ernst, doanh số bán nhiều loại thuốc trị cảm lạnh và cúm giảm trong thời gian đại dịch bùng phát vì biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng để phòng ngừa COVID-19 đã làm giảm mức độ lây nhiễm bệnh này cũng như những bệnh phổ biến khác. Tuy nhiên, do biến thể Omicron lây lan mạnh ở châu Phi, châu Âu và Australia vào tháng 12 năm ngoái, nhu cầu ở những thị trường này cũng tăng theo. Điều đó đã kích hoạt các đơn đặt hàng bổ sung từ các nhà sản xuất để chuẩn bị cho nguy cơ Omicron lây lan rộng ra toàn cầu.
Mặc dù vậy, doanh số bán các loại thuốc giảm ho hay trị đau họng không thể thay thế các phương pháp giám sát khoa học về sự hiện diện của virus, và sự xuất hiện của một biến thể khác có thể buộc các chính phủ phải tiến hành xét nghiệm quy mô lớn trở lại.