Theo bộ trên, Iraq, nước khai thác dầu mỏ lớn thứ 2 trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đã xuất khẩu 100.563.999 thùng dầu trong tháng 3 vừa qua và thu về 11,07 tỷ USD, mức doanh thu cao nhất kể từ năm 1972.
Trong tháng 2, doanh thu từ dầu mỏ của Iraq đạt mức cao nhất trong 8 năm với 8,5 tỷ USD sau khi mỗi ngày xuất khẩu được 3,3 triệu thùng dầu.
Nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ đóng góp hơn 90% thu nhập của Iraq.
Giá dầu thô đã tăng đột biến do ngày càng gia tăng mối lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2. Nga là quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới sau Saudi Arabia.
Giá dầu Brent Biển Bắc đã có lúc tăng lên mức cao kỷ lục với 140 USD/thùng cho hợp đồng giao đầu tháng 3 vừa qua, nhưng sau đó giảm dần. Giá dầu mỏ giao dịch ngày 1/4 ở mức 100 USD/thùng.
Bất chấp áp lực của phương Tây, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) ngày 31/3 quyết định tăng nhẹ sản lượng dầu thô nhằm thúc đẩy hoạt động khai thác trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đang làm rối loạn thị trường dầu mỏ. Theo đó OPEC+ sẽ nâng sản lượng lên 432.000 thùng/ngày kể từ tháng 5, cao hơn một chút so với mức 400.000 thùng/ngày ở các tháng trước đó. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng quyết định của OPEC+ có thể góp phần khiến lạm phát gia tăng trên toàn cầu, đe dọa quá trình phục hồi của thế giới sau đại dịch COVID-19.