Vụ bắn hạ cường kích Su-24 của Nga hôm 24/11 có nguyên do chính trị chiến lược và gây ra những hệ quả chiến lược. Nhiều tuần sau đó, có một điều mà tất cả các bên liên quan đều chưa hề đề cập đến: Liệu vụ việc này chỉ là một biến cố “không thể khác được” trong cuộc đối đầu đa quốc gia mà Syria là điểm trung tâm, hay sẽ là một bước ngoặt hệ trọng hơn trong một cuộc đối đầu địa chiến lược. Chỉ có một điều chắc chắn: quan hệ đối tác chiến lược Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đã tan biến và trong tương lai gần hai bên còn rất ít niềm tin với nhau.
Quan hệ giữa Tổng thống Nga Putin (phải) và đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan từ bạn thành đối thủ? Ảnh: AA |
Với Nga, hiển nhiên là việc phá vây và đạt tới vị thế cường quốc toàn cầu phải có một điều kiện đi kèm – hành lang thông thoáng ở phía nam. Trong quá khứ, vũ khí hạt nhân giúp Liên Xô ngang hàng Mỹ. Nhưng thiếu một hành lang tự do ở mạn phía Nam thì Nga không bao giờ có được điều tương tự. Thực tế này hẳn nhiên cũng được giới hoạch định chiến lược ở Washington trù tính. Đó là lý do để nhiều người tin rằng, Mỹ đã bật đèn xanh cho cuộc phưu lưu của chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, hoặc là Nhà Trắng tiếp tục áp dụng lại kịch bản cũ mà phương Tây (chủ chốt là Mỹ và Anh) từng dùng nhằm vào Nga trong cuộc chiến tranh Crimea (1853-1856).
Những đánh giá như vậy được củng cố thêm bởi một thực tế, phương Tây không còn theo đuổi một khung hợp tác địa chính trị thời hậu chiến tranh Lạnh, với việc Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher từng hứa hẹn sẽ đẩy Nga hội nhập vào quỹ đạo mới. Trước năm 1989, cả hai nhà lãnh đạo Mỹ - Anh đều vẽ ra một kịch bản nước Nga hậu Xô Viết sẽ là một nhân tố mới không thể thiếu được của thế giới phương Tây. Thế rồi Liên Xô tan rã, bức tranh kia không thành hình, không biết là do những người kế nhiệm từ bỏ “tầm nhìn” hay cả ông Reagan và bà Thatcher chỉ mới dừng ở mức độ hứa hẹn.
Những trận đụng độ trong lịch sử giữa Nga - Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ra một thực tế, sức mạnh chiến lược của Ankara chính là ở khả năng giúp phóng tầm ảnh hưởng hoặc ngược lại là giới hạn khả năng hành động tự do của Nga ở Trung Đông và Địa Trung Hải. Nếu như thực sự ông Erdogan vẫn tiếp tục có những tuyên bố và hành động cứng rắn đối với Moskva như trong thời gian qua, nước Nga sẽ bị bao vậy, cô lập sâu hơn.
Một viễn cảnh như thế sẽ phải có sự can dự của Mỹ. Không phải vô cớ mà Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Mỹ là người đứng sau, hoặc chí ít là bật đèn xanh để Ankara bắn hạ máy bay Su-24. Tại thời điểm hai chiếc F-16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ phóng tên lửa nhằm vào cường kích Nga, 2 chiếc F-15C của Mỹ (mới được điều tới căn Incirlik) cũng xuất hiện trên cùng không phận, với nhiệm vụ hộ tống cặp F-16 kia. Phát biểu tại Moskva hôm 10.12 vừa qua, Trung tướng Michael Flynn, cựu Giám đốc Cơ quan tình báo quân sự Mỹ (DIA) nhận định, không thể có chuyện phi công Thổ Nhĩ Kỳ bấm nút phóng mà không có sự ra lệnh, chỉ đạo ở cấp lãnh đạo cao nhất. Hay nói cách khác, mọi diễn biến đều nằm trong kế hoạch của Washington.
Nhiều chỉ dấu cho thấy, Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách đo lường lường mức độ phản ứng của Nga, đồng thời phát đi một cảnh báo cứng rắn nhằm vào Moskva về khả năng hành động mạnh mẽ của liên minh Washington-Ankara. Vấn đề đặt ra là tại sao ông Erdogan lại chấp nhận hành động mạo hiểm như vậy, nhất là khi Thổ Nhĩ Kỳ mới đây thôi vẫn còn là một trong số rất ít các nước không chấp thuận tham gia chiến dịch bao vây, cấm vận Moskva do Mỹ và phương Tây phát động. Đâu là “phần thưởng” mà Ankara sẽ nhận được khi sẵn lòng chấp thuận các thiệt hại kinh tế 5-6 tỉ USD/năm từ các lệnh trừng phạt mà Điện Kremlin áp đặt ngay trong ngày 26/11?
Chưa ai nói ra, vì chắc hẳn phía trước còn nhiều diễn biến mới. Chỉ biết rằng sau khi coi như “đánh mất” Ukraine, Nga sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong chiến dịch phá vỡ thế bao vây, cô lập từ bên ngoài, nếu như thực sự “mất” nốt Thổ Nhĩ Kỳ.