Nhóm hoạt náo viên Triều Tiên ca hát trước vòng chung kết cử tạ Đại hội Thể thao châu Á 14 năm 2002. Ảnh: Reuters |
Đội cổ vũ Triều Tiên, được truyền thông Hàn Quốc trìu mến đặt cho biệt danh “đội quân sắc đẹp” , sẽ cùng với một số chính trị gia và vận động viên, huấn luyện viên là thành phần công dân ít ỏi được rời khỏi đất nước và sang nước láng giềng phía nam.
Đội cổ vũ vẫy quốc kỳ tại Đại hội dành cho sinh viên năm 2003. Ảnh: AP |
Thông thường một đội cổ vũ có số thành viên nhiều hơn nhiều lần số vận động viên mà Triều Tiên gửi sang thi đấu thể thao. Cụ thể, trong năm 2003, trong tổng số 528 người được cử đến Thế vận hội dành cho sinh viên được tổ chức tại Daegu (Hàn Quốc), có đến 303 người là hoạt náo viên.
Hoạt náo viên xinh đẹp tại Daegu, Hàn Quốc. Ảnh: Getty Images |
Họ trở nên nổi tiếng trong những năm sau đó. Trong suốt các sự kiện thể thao năm 2004 và 2005, họ nhận được sự chú ý của dư luận thế giới, khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông toàn cầu.
Phần lớn hoạt náo viên Triều Tiên là những cô gái ở độ tuổi 20. Ảnh: Reuters |
Lí do khiến họ trở nên nổi tiếng là vì nhóm cổ vũ bao gồm phần lớn là những cô gái xinh đẹp và luôn giữ trong mình sức hút như vậy ngay cả trong lúc trình diễn. Hàng loạt đoạn clip ghi lại hình ảnh đội cổ vũ đăng trên trang mạng chia sẻ Youtube, với các dòng tiêu đề “Đội cổ vũ Triều Tiên cuốn hút” hay “Hoạt náo viên xinh đẹp trẻ trung”.
Tiêu chí lựa chọn ra các hoạt náo viên này là những cô gái đang ở độ tuổi 20, là sinh viên và nhân viên tuyên truyền, có lý tưởng đúng đắn. Họ luôn được xem xét chặt chẽ để đảm bảo bản thân đủ xứng đáng đại diện cho Triều Tiên ngay cả trong nước lẫn đi ra nước ngoài.
Thời kỳ hoàng kim của đội nữ cổ vũ này là vào đầu những năm 2000, khi vợ nhà lãnh đạo Kim Jong-un, bà Ri Sol-ju cũng nằm trong đội cổ vũ tham dự Đại hội Thể thao châu Á. Trong quãng thời gian diễn ra đại hội ở Incheon (Hàn Quốc), có thể thấy bà Ri Sol-ju được phép rời khỏi Triều Tiên.
Tuy nhiên, cũng khoảng thời gian đó, 21 hoạt náo viên Triều Tiên đã bị xử phạt sau khi nói về cuộc sống vui vẻ mà họ tận hưởng khi đến Hàn Quốc, theo nguồn tin truyền thông Hàn Quốc. Cũng trong nguồn tin trên, để được gia nhập đội cổ vũ, các cô gái phải cam kết một thỏa thuận coi chuyến đi của họ tới Hàn Quốc là chuyến đi trên “lãnh thổ kẻ thù”, cũng như không được nói về thứ họ đã làm hay nhìn thấy tại Hàn Quốc.
Bà Ri Sol-ju - vợ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng nằm trong đội cổ vũ năm 2005. Ảnh: EPA |
Năm 2005, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai miền Bán đảo Triều Tiên, chuyến đi đến Hàn Quốc bị tạm dừng. Họ tiếp tục được đi biểu diễn tại Giải vô địch bóng đá nữ 2007 tại Trung Quốc nhưng không qua Hàn Quốc.
Đến năm 2014, Triều Tiên tuyên bố sẽ cử đội cổ vũ sang tham dự Đại hội Thể thao Châu Á tổ chức ở Incheon (Hàn Quốc). Giống với hoạt động năm nay, động thái đó đánh dấu một tín hiệu đột phá trong việc “phá băng” quan hệ Hàn – Triều.
Theo tuyên bố từ chính quyền Bình Nhưỡng, chuyến thăm đem lại hi vọng “tạo ra bầu không khí” tái hòa giải: “Quyết định chân thành của chúng tôi lần này sẽ làm tan chảy mối quan hệ đóng băng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc trong khi thể hiện sự đồng lòng của con người trên Bán đảo Triều Tiên cả trong lẫn ngoài”. Đáp lại lời tuyên bố tỏ thiện chí, Seoul nhất trí về chuyến thăm. Song đến ngày, mọi thứ đổ bể. Không lâu trước khi đại hội bắt đầu, Triều Tiên thông báo sẽ không gửi phái đoàn cổ vũ theo do tranh cãi về chi phí và các vấn đề khác, thậm chí đe dọa rút hoàn toàn ra khỏi đại hội.
Hiện cộng đồng quốc tế dồn mọi quan tâm đến “quân bài” làm ấm mối quan hệ hai quốc gia cũng như những người hâm mộ Hàn Quốc đang ngày đêm ngóng trông được chứng kiến những màn nhảy múa đồng đều từ đội cổ vũ nước láng giềng phương Bắc đem sang.