Trong quá trình tìm kiếm một số nhân chứng lịch sử của Cuba từng chứng kiến cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, chúng tôi đã được gặp ông Julio García Oliveras, người từng đảm nhiệm cương vị Trưởng đoàn chuyên gia quân sự kiêm Đại sứ Cuba tại Việt Nam 1966 - 1969.Ông Julio García Oliveras. |
Bên cạnh những hồi ức sinh động về cuộc sống và chiến đấu của quân dân ta trong những năm tháng hào hùng đó, những giai thoại về Bác Hồ, ông còn khiến chúng tôi ngạc nhiên và thán phục vì những hiểu biết sâu sắc của mình về tiến trình Đổi mới tại Việt Nam.
Sau 3 năm sống và làm việc đầy sôi động tại Việt Nam, ông García Oliveras trở về Cuba với lòng khâm phục sâu sắc chủ nghĩa anh hùng bình dị và niềm tin vào thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Nhưng, theo lời kể của chính cựu chuyên gia quân sự này, ông cũng mang theo mình nỗi buồn về những hậu quả khủng khiếp của cuộc chiến tranh phá hoại mà Mỹ gây ra, cũng như nỗi lo lắng sâu sắc về khả năng và thời gian hồi phục của Việt Nam sau nhiều năm chiến tranh.
Gần hai thập kỷ sau, khi chuyển sang đảm nhiệm nhiều cương vị quản lý khác - từ công ty du lịch cho tới tạp chí nghiên cứu lý luận kinh tế - ông lại có dịp tiếp nối “duyên nợ” của mình với đất nước hình chữ S, lần này là dưới vai trò của một tiến sĩ kinh tế tìm hiểu về công cuộc đổi mới tại nước ta. Chỉ trong thư viện cá nhân của mình, ông đã có tới ngót 500 cuốn sách nói về Việt Nam, từ các tác giả Việt Nam cho tới nước ngoài, và gần như chỉ tập trung vào hai đề tài: hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và quá trình Đổi mới từ Đại hội lần thứ 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Điều đầu tiên mà ông García đề cập khi nói về tiến trình đã làm thay đổi diện mạo đất nước ta trong gần 3 thập kỷ qua là quyết tâm chính trị và tinh thần dũng cảm của Đảng Cộng sản Việt Nam: “Con đường mà Việt Nam đã bắt đầu từ cuối những năm 1980 là con đường chưa có tiền lệ trên thế giới cả về lý luận và thực tiễn lịch sử”. Theo ông, mô hình xây dựng xã hội chủ nghĩa tại Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây tuy đã bộc lộ nhiều sai sót và bất cập lớn, nhưng đa số các nhà hoạch định chính sách cũng như cán bộ thi hành chủ chốt của Việt Nam khi đó, giống như Cuba thời hiện tại, đều được trang bị hệ thống lý luận kinh tế - chính trị này. Việc đưa ra mô hình phát triển mới, phù hợp với thực tiễn nước mình nhưng đôi khi đi ngược lại “sách vở” sẵn có chính là một quyết định dũng cảm, không hề thua kém gì sự dũng cảm trong chiến tranh, vì “thay đổi tư duy, nếp nghĩ là thay đổi gian khó nhất và cũng là quan trọng nhất”.
Trong ký ức của cựu Đại sứ Cuba tại Việt Nam, con đường phát triển kinh tế đã được các nhà lãnh đạo nước ta quan tâm ngay từ khi cuộc kháng chiến còn trong giai đoạn ác liệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng so sánh “chiến tranh và kinh tế có sự khác biệt lớn. Trong chiến tranh, kẻ thù sẽ đầu hàng vào một thời điểm nào đó, còn trong kinh tế, chúng ta phải chiến đấu không ngừng tới khi tiêu diệt hoàn toàn kẻ thù (những lệch lạc hay những tệ nạn)”. Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì nhắc nhở “Phải luôn cảnh giác, chúng ta có thể chiến thắng trong chiến tranh, nhưng lại thất bại trong kinh tế”. (*)
Cựu chuyên gia quân sự từng coi “Việt Nam là một trường học đặc biệt” trong thời chiến, nay tiếp tục nhìn nhận quốc gia cách nửa vòng trái đất này là “nguồn kinh nghiệm quý giá” đối với Cuba trong phát triển kinh tế thời bình, không chỉ vì quan hệ gần gũi thủy chung giữa hai dân tôc, mà còn vì sự tương đồng trong hệ thống chính trị, quy mô kinh tế và bối cảnh xã hội, xét trên một góc độ tương đối. Đối với ông, đúc rút kinh nghiệm từ Việt Nam cần chú trọng tới thực tiễn của từng lĩnh vực với kết quả cụ thể, ví dụ như thu hút vốn đầu tư nước ngoài hay phát triển doanh nghiệp nhỏ, trước khi chú ý tới những lý luận tổng kết.
Tuy nhiên, ấn tượng lớn nhất của nhà nghiên cứu năm nay đã 84 tuổi này về thành công của đổi mới tại Việt Nam không phải là những con số mà là sự cải thiện trong cuộc sống của mỗi người dân cũng như những hình ảnh hiện đại và tươi mới của đất nước. Với ý nghĩa đó “đổi mới chính là con đường xây dựng Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Lê Hà(P/v TTXVN tại Cuba)(*) Đây là những câu trích dẫn theo trí nhớ của ông Julio García, có thể không hoàn toàn chính xác về ngôn từ.