Tờ báo tài chính Nikkei đưa tin các nhà buôn thiết bị đã qua sử dụng tại Nhật Bản cho biết giá mặt hàng máy chế tạo chip cũ đã tăng 20% so với năm ngoái. Máy móc đời cũ không bị cấm theo lệnh trừng phạt của Mỹ nên tạo ra “kẽ hở” cho phía Trung Quốc.
Do nhu cầu sản xuất con chip tăng mạnh trên toàn thế giới, ngay cả những cỗ máy cũ kỹ cũng được bán cháy hàng. Để đánh giá xu hướng thị trường, Nikkei đã phỏng vấn một số đại lý lớn bán máy sản xuất con chip đã qua sử dụng. Những thiết bị này chủ yếu được bán qua giao dịch cá nhân.
“Giá máy cũ đều tăng sau mỗi năm. Trong năm qua, giá cả đã tăng trung bình 20%”, một nhân vật buôn bán thiết bị cũ tiết lộ. Giá thiết bị lõi, chẳng hạn như hệ thông in thạch bản, thậm chí còn tăng gấp 3 lần.
Một nguồn tin tại công ty Sumitomo Mitsui cho biết giá máy móc hiện nay đã tăng 10 lần so với sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong khi đó, nguồn tin ở công ty Mitsubishi UFJ Lease & Finance lại cho biết gần 90% máy cũ được chuyển đến Trung Quốc.
Bắc Kinh đang nỗ lực gia tăng sản xuất chất bán dẫn nội địa khi Washington cấm các công ty ở nước này chuyển giao công nghệ sản xuất con chip cho đối tác Trung Quốc. Trước tình hình lệnh cấm của Mỹ hạn chế tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ tân tiến, các nhà sản xuất ở quốc gia châu Á này đang đẩy mạnh thu mua thiết bị đời cũ.
“Tôi được biết vài nhà sản xuất Trung Quốc đang ồ ạt tích trữ máy móc ngay cả khi chưa có nhu cầu sử dụng luôn”, một nhân vật trong ngành cho hay.
Xu hướng ở yên trong nhà sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát cũng là một yếu tố khiến nhu cầu sản xuất con chip tăng lên. Chúng là sản phẩm không thể thiếu trong bảng mạch vô tuyến và máy tính để bàn, cũng như các thiết bị gia dụng kết nối mạng Internet. Loại chip này được làm từ các tấm vi mạch 200mm bằng các thiết bị đời cũ.
Từ khi các dòng máy sản xuất chip mới sử dụng tấm vi mạch 300mm, không còn nhiều công ty sản xuất máy cho tấm vi mạch 200mm nữa. Kết quả, giá máy cũ thậm chí còn tăng cao hơn cả máy đời mới, theo tiết lộ của một nguồn tin tại Hitachi Capital.
“Những chiếc máy về cơ bản là vô giá trị vài năm trước đây, hiện được bán với giá 100 triệu yen (khoảng 940.000 USD)”, một nhà buôn thiết bị cũ hé lộ. Trong các dây chuyền sản xuất, những cỗ máy từ 20 – 30 năm vẫn đang hoạt động.
Một nhân viên ở công ty Sumitomo Mitsui chia sẻ: “Máy chúng tôi thu mua về được chuyển trực tiếp đến nhà máy khác. Chúng biến mất ngay tức khắc”.
Không ít nhà chế tạo máy sản xuất chip nhìn nhận sự hồi sinh của các dòng máy cũ như một cơ hội kinh doanh. Canon là một ví du. Lần đầu tiên sau 9 năm, hãng này sẽ lại sản xuất thiết bị in thạch bản cho vi mạch 200mm.
Năm 2019, Mỹ đã đưa Huawei cùng nhiều tập đoàn công nghệ viễn thông của Trung Quốc vào "danh sách đen" của Bộ Thương mại viện dẫn các lo ngại về an ninh quốc gia, hạn chế các nhà cung cấp bán hàng hóa và công nghệ Mỹ cho công ty Trung Quốc. Washington lâu nay cho rằng hai tập đoàn Huawei và ZTE của Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với chính phủ và các thiết bị từ các nhà sản xuất này có thể được sử dụng để do thám các quốc gia và công ty khác. Hai công ty này luôn bác bỏ cáo buộc trên của Mỹ.