Một dự án xây dựng kênh đào trị giá 25 tỉ bảng Anh (khoảng 750.000 tỉ đồng Việt Nam), nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương, được một công ty Trung Quốc cấp vốn hoàn toàn, có thể được triển khai xây dựng tại quốc gia Trung Mỹ Nicaragua. Kênh đào Panama, tuyến đường thủy quan trọng của thế giới. Ảnh: Internet |
Dự án đầy tham vọng này sẽ cho phép Trung Quốc kiểm soát một tuyến đường thủy quan trọng đủ sức cạnh tranh với kênh đào nổi tiếng đã được Mỹ xây dựng tại Panama gần 100 năm trước. Các nghị sĩ Nicaragua đã đề xuất dự luật mở đường cho việc xây dựng kênh đào mới vào tối 10/6 và dự luật này đang được kì vọng sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 13/6.
Theo dự án, kênh đào Nicaragua sẽ xuyên ngang quốc gia Trung Mỹ, một trong những quốc gia nghèo nhất trong khu vực, từ bờ biển Caribe ở phía đông đến bờ biển Thái Bình Dương ở phía tây, tạo ra một tuyến đường nhanh hơn nối giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Nếu được thông qua, trong khoảng thời gian ước tính 11 năm để hoàn thành dự án, khoảng 201km đường thủy sẽ được đào lên và tạo ra 40.000 việc làm. Sau khi hoàn thành, dự đoán kênh đào này sẽ chiếm 4,5% vận tải hàng hóa đường thủy thế giới và làm tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nicaragua.
Công ty cổ phần đầu tư phát triển kênh đào HK Nicaragua có trụ sở tại Trung Quốc sẽ cấp vốn xây dựng cho dự án "khủng" nói trên. Đổi lại, công ty này sẽ hưởng phần lớn lợi nhuận từ tuyến đường vận tải đường thủy "béo bở" này. Chính phủ cũng có kế hoạch thực hiện giao kèo với công ty của Trung Quốc, qua đó sẽ gia hạn cho công ty này quản lý trong 50 năm đầu và rất có khả năng kéo dài thêm 50 năm sau đó.
Mặc dù Tổng thống Nicaragua, ông Daniel Ortega đang tích cực ủng hộ dự án, nhiều nhà quan sát bên ngoài và phe đối lập với tổng thống chỉ ra rằng, gần như mọi chi tiết về dự án vẫn còn mù mờ, từ cơ sở ăn chia lợi nhuận phía Nicaragua cho đến việc xác định tuyến đường mà kênh đào sẽ đi qua.
Những nghiên cứu về tính khả thi của việc xây dựng kênh đào đã xác định sáu con đường tiềm năng có thể được chọn, 5 trong 6 địa điểm kết nối với Hồ Nicaragua ở phía tây, song cụ thể địa điểm nào sẽ được chọn vẫn chưa được làm rõ. Jaime Incer, một nhà môi trường học và cố vấn cho Tổng thống về các vấn đề môi trường, cho rằng chính quyền phải định rõ một tuyến đường thủy chính xác cho kênh đào này trước khi đưa ra sự nhượng bộ của mình.
Những người chỉ trích dự án còn đặt ra câu hỏi liệu Trung Mỹ có cần đến 2 kênh đào, ngay cả khi đang ở trong kỉ nguyên phát triển thương mại thế giới. Trong khi đó, kênh đào Panama hiện đang được tiến hành mở rộng để có thể đón những tàu có trọng tải lớn hơn. Kênh đào Panama đang tiến đến thời điểm cuối của dự án mở rộng kéo dài bảy năm trị giá 5,2 tỉ USD cho phép các tàu có trọng tải lớn hơn sử dụng. Dự án dự kiến kết thúc vào năm sau.
Việc xây dựng một kênh đào ở Nicaragua sẽ đặt dấu chấm hết cho một “trường thiên tiểu thuyết” bắt đầu từ thế kỉ 19 khi trùm tư bản đường sắt và hàng hải của Mỹ Cornelius Vanderbilt giành được quyền xây dựng một tuyến đường thủy xuyên qua Nicaragua nhưng đã từ bỏ giữa chừng khi xảy ra rối loạn chính trị.
Vào thời điểm đó, những công ty quan tâm đến vấn đề này của Mỹ đã nghiên cứu việc xây dựng một kênh đào ở Nicaragua trước khi chuyển địa điểm đến Panama. Người Pháp cũng từng có ý định xây dựng kênh đào ở Panama nhưng cuối cùng đã kết thúc cay đắng trong thất bại. Người Mỹ đã lãnh lấy “nhiệm vụ” này và hoàn thành nó vào năm 1914, tạo ra con kênh đào Panama nổi tiếng được biết đến là “Kì quan thứ 8 của thế giới”. Kênh đào này được Mỹ sở hữu mãi tới năm 1999 trước khi nó được trao lại cho chính phủ Panama quản lý.
Một chiếc máy đào đất của Mỹ trong những ngày đầu khởi công kênh đào Panama. |
Tuy vậy, có vẻ một kênh đào Panama vẫn chưa thể làm hài lòng thế giới nên từ lâu, việc xây dựng một tuyến đường thủy thứ hai nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương đã được tính đến. Một trong những động lực cho kế hoạch này xuất phát từ sự tăng trưởng ổn định trong vận tải hàng hải kể từ khi kênh đào Panama được khai sinh. Sự xuất hiện của Trung Quốc, vào thời điểm này, với tư cách là một siêu cường kinh tế đói tài nguyên, khiến cho giấc mơ về một tuyến đường thủy thứ hai nối liền hai bờ đại dương của quả địa cầu hơn bao giờ hết đang có cơ hội trở thành hiện thực.
Thứ trưởng Ngoại giao Nicaragua Manuel Corenel ngày 10/6 cho hay ông không nghi ngờ năng lực của công ty Trung Quốc trong việc tiến hành dự án kênh đào này. Ông nói: “Đây là một công ty làm ăn nghiêm túc, rất có trách nhiệm và được công nhận. Những nghi ngại phản đối dự án là nhằm vào mục đích chính trị hơn là vào các vấn đề khả năng thực tiễn”.
Về phía mình, công ty HK Nicaragua, nhà đầu tư của Trung Quốc, cũng cho hay sẽ sẵn sàng nghiên cứu đầy đủ những tác động xã hội, môi trường, kinh tế và kĩ thuật của dự án này. Trên website của công ty, HK Nicaragua khẳng định: “Đây là một dự án lớn, có khả năng làm thay đổi thương mại thế giới, tạo ra lợi nhuận quan trọng về mặt xã hội và kinh tế với Nicaragua cũng như các nước láng giềng và khu vực Mỹ Latinh”.
Theo thỏa thuận, công ty Trung Quốc sẽ trả Nicaragua 10 triệu USD/năm trong suốt 10 năm đầu, sau đó sẽ trả một phần lợi nhuận thu được từ kênh đào này, bắt đầu ở mức 1% và tăng lên một tỉ lệ chưa xác định theo thỏa thuận với chính phủ Nicaragua. Sau khi hoàn tất hợp đồng, phía Trung Quốc sẽ hoàn trả lại cho Nicaragua mọi cơ sở vật chất của kênh đào này.
Dẫu vậy, theo ông Jose Aguerri, người đứng đầu một hiệp hội các phòng thương mại của Nicaragua, sự thiếu chi tiết trong bản kế hoạch được công bố về dự án sẽ làm chậm tiến độ đầu tư. Ông nói: “Chừng nào chưa xác định được con đường mà kênh đào này sẽ đi qua, sẽ rất khó để thu hút đầu tư bởi không có một sự chắc chắn nào về pháp lý”.
Anh Minh (Theo D.M)