Đội tuần tra tình nguyện bảo vệ người gốc Á lớn tuổi tại Mỹ

Trên khắp nước Mỹ, các nhóm tình nguyện liên tục được thành lập với mục đích đi tuần tra tại các khu vực có cộng đồng người gốc Á sinh sống để ngăn chặn các vụ tấn công.

Chú thích ảnh
Đội tình nguyện tuần tra tại khu phố Chinatown ở Oakland. Ảnh: CNN

Tại khu phố người Hoa Chinatown ở Oakland (California, Mỹ), ông Carl Chan trên đường tới thăm một nạn nhân gốc Á lớn tuổi đã bị một người đàn ông lạ mặt tấn công vào đầu ngày 29/4. Là chủ tịch phụ trách phòng thương mại khu vực, Carl biết rõ đại dịch COVID-19 và làn sóng tấn công người gốc Á lớn tuổi đã khiến khách hàng tới đây ngày một ít đi. 

Ông cho biết vụ tấn công ngày 29/4 đã giúp ông có động lực tham gia vào nhóm tuần tra đi bộ trong cộng đồng.

Từ năm ngoái, trên khắp nước Mỹ, các nhóm tình nguyện liên tục được thành lập với mục đích đi tuần tra tại các khu vực có cộng đồng người gốc Á sinh sống như một nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công bạo lực và phân biệt chủng tộc nhằm vào nhóm người này.

Tại Oakland, trên 10 người mặc áo khoác và đội mũ cam đi dọc khu Chinatown mỗi ngày. Họ đeo theo còi và máy ảnh khi tới thăm hỏi các chủ doanh nghiệp cũng như khách hàng.

David Won, một trong những tình nguyện viên, nói với phóng viên CNN: “Chúng tôi cố gắng luôn có mặt để đảm bảo những cá nhân ở ngoài kia không tìm cách thực hiện bất kỳ tội ác nào”.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, số lượng khách hàng đến khu Chinatown giảm đáng kể. Nhiều cửa hàng buộc phải đóng cửa, trong khi một số khác đã mở cửa trở lại song rút ngắn thời gian hoạt động vì lo sợ các cuộc tấn công.

Hiệp hội Toishan Vịnh Đông, một nhóm chủ yếu gồm những người cao niên chuyên tổ chức các sự kiện xã hội và các lớp học Thái Cực quyền cho người dân gốc Taishan, Quảng Đông (Trung Quốc), đã thành lập một nhóm tuần tra từ tháng 2 khi vùng Vịnh chứng kiến một loạt các cuộc tấn công nhằm vào người châu Á.

Khi nhìn thấy nhóm tình nguyện đi ngoài đường, Won – một chuyên gia tài chính 59 tuổi sinh sống tại Oakland – đã tiếp cận và nhanh chóng gia nhập. Ông tham gia tuần tra 2 lần một tuần. Won cho biết ông gia nhập nhóm vì muốn “làm điều đúng đắn”.

Tại một vài thành phố lớn khác trên nước Mỹ, trong đó có Seattle và New York, những nhóm tuần tra tình nguyện tương tự cũng xuất hiện trong cộng đồng.

Ít nhất 4 nhóm tình nguyện khác ở Oakland tham gia tuần tra dọc phố phường trong năm qua, tìm cách đảm bảo an toàn cho những người lớn tuổi. Một đội ứng phó khẩn cấp ở San Jose (California) được biết đến với việc cung cấp viện trợ trong các thảm họa thiên nhiên đã thành lập một đơn vị tuần tra ở Japantown của thành phố.

Wan Chen (37 tuổi) cho hay anh không thể "ngồi im không làm gì" khi chứng kiến các cuộc tấn công gia tăng ở New York vào đầu năm nay. Lúc đầu, Chen tìm cách liên lạc với một số nạn nhân, hỏi xem họ có cần giúp đỡ hoặc gặp bất kỳ rào cản ngôn ngữ và văn hóa nào không.

“Rất nhiều người trong số họ còn sợ đến mức không thể nói về chuyện đã xảy ra”, Chen chia sẻ.

Chen và một vài người khác đã thành lập một nhóm có tên là Tuần tra An toàn Công cộng ở Flushing, New York. Hiện nhóm có khoảng 20 thành viên với đủ ngành nghề, từ công nhân, bồi bàn cho đến sinh viên, người lái xe. Trong mỗi ca tuần tra sẽ có một người phụ trách ghi chép, một người quay video và một người liên lạc với cảnh sát hoặc các thành viên cộng đồng.

Chú thích ảnh
Đội tình nguyện tuần tra tại Flushing, New York. Ảnh: CNN

Stop AAPI Hate, một trung tâm theo dõi các báo cáo về phân biệt chủng tộc và kỳ thị đối với người Mỹ gốc Á, đã nhận được trên 6.000 đơn khiếu nại trực tiếp kể từ năm ngoái.

Tuần trước, Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành một đạo luật chống thù hận đối với người gốc châu Á giữa đại dịch COVID-19.

Người Mỹ gốc Á đã biến nỗi đau và sự phẫn nộ của họ thành hành động theo nhiều cách, bao gồm các cuộc tuần tra đi bộ. Trong một bài phát biểu gần đây, Phó Tổng thống Kamala Harris kêu gọi cộng đồng người này cân nhắc sử dụng quyền lực chính trị của mình.

"Chúng tôi nhìn thấy sự căm ghét, chúng tôi chứng kiến sự ác độc. Là một thành viên của cộng đồng, tôi xin chia sẻ nỗi đau và sự phẫn nộ đó. Tôi tin rằng bây giờ chúng ta có cơ hội để biến nỗi đau thành hành động", nhà lãnh đạo nói trong Hội nghị Đoàn kết AAPI tổ chức trực tuyến vào tuần trước.

Theo một phân tích gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew về dữ liệu Điều tra dân số Mỹ, mặc dù người Mỹ gốc Á chỉ chiếm khoảng 7% tổng dân số quốc gia song họ là bộ phận cử tri đủ điều kiện phát triển nhanh nhất trong số tất cả các nhóm chủng tộc hoặc sắc tộc chính từ năm 2000 đến năm 2020.

Theo công ty thu thập dữ liệu và tiến hành nghiên cứu chính sách AAPI Data, trên toàn quốc, tỷ lệ cử tri người Mỹ gốc Á tăng vọt lên mức kỷ lục - từ 49% vào năm 2016 lên 60% vào năm 2020. Trong khi đó, số lượng tham gia của người dân Đảo Thái Bình Dương tăng từ khoảng 41% lên gần 56%.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Việt Nam hoan nghênh Hoa Kỳ ban hành Đạo luật cấm kỳ thị người gốc Á
Việt Nam hoan nghênh Hoa Kỳ ban hành Đạo luật cấm kỳ thị người gốc Á

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 27/5 đã đưa ra bình luận liên quan đến việc Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành Đạo luật về các tội ác thù hận COVID-19 để ngăn chặn các tội ác nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN