Đông Âu coi người tị nạn Ukraine là lực lượng lao động tiềm năng

Các quốc gia Đông Âu đang đón nhận hàng triệu người tị nạn Ukraine và coi họ là lực lượng lao động tiềm năng.

Chú thích ảnh
Người Ukraine sơ tán chia tay người thân tại nhà ga tàu hỏa. Ảnh: AFP

Chuyên gia Sieglinde Rosenberger tại Đại học Vienna (Áo) nhận định: “Những người Ukraine đến lãnh thổ của EU đều có trình độ tốt và đáp ứng nhu cầu lao động”.

Hãng thông tấn AFP (Pháp) cho biết dựa trên ước tính của Liên hợp quốc, đã có 2,5 triệu công dân Ukraine rời lãnh thổ. Hơn một nửa trong số này đến Ba Lan, trong khi hàng chục nghìn người khác đến Moldova và Bulgaria - 2 quốc gia thuộc nhóm có dân số giảm nhanh nhất thế giới.

Bulgaria là quốc gia có dân số giảm nhanh nhất thế giới. Dự báo, dân số nước này sẽ giảm từ 7 triệu người năm 2017 xuống còn 5,4 triệu người vào năm 2050.

Trong một bức thư gửi chính phủ, hiệp hội tổ chức sử dụng lao động Bulgaria cho biết họ có thể tuyển dụng tới 200.000 người Ukraine. Hiệp hội này đặc biệt chào đón công dân Ukraine có thể nói tiếng Bulgaria. Đại diện các ngành dệt may, xây dựng, du lịch, công nghệ thông tin của Bulgaria cũng khẳng định họ sẵn sàng tuyển dụng hàng chục nghìn nhân sự.

Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov đã nhận xét người tị nạn Ukraine thông minh, có học vấn và trình độ cao. Ông Petkov nhận định Bulgaria và nhiều quốc gia khác sẵn sàng tiếp nhận họ.

Hungary, quốc gia vốn gặp khó khăn vì tình trạng thiếu lao động, cũng mở rộng vòng tay với người tị nạn Ukraine. Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố: “Chúng tôi sẵn sàng quan tâm tới họ”.

Tuy nhiên, việc người Ukraine có tiếp tục ở lại Đông Âu hay không vẫn chưa rõ bởi nhiều trong số họ có xu hướng đến những nơi khác tại châu Âu, nơi có người quen hoặc triển vọng tốt hơn.

Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng phần lớn người tị nạn Ukraine là người cao tuổi và trẻ em nên viễn cảnh về lực lượng lao động mới hùng hậu là không cao.

Chú thích ảnh
Hàng trăm người sơ tán từ Ukraine tạm trú tại một trung tâm thể thao tại Moldova. Ảnh: EPA

Trong khi đó, Moldova với dân số 2,6 triệu người đã kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp sau khi đón nhận 100.000 người tị nạn Ukraine. Thủ tướng Moldova Natalia Gavrilita trong tháng 3 đã nói với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken: “Chúng tôi cần hỗ trợ để xử lý số lượng người đông đảo này, chúng tôi cần hỗ trợ nhanh chóng”.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 12/3 cho biết Đức sẽ tiếp nhận 2.500 người tị nạn Ukraine sang Moldova. Trước đó, Bộ Nội vụ Đức ngày 11/3 cho biết đến nay đã có khoảng 109.183 người tị nạn Ukraine được đăng ký tại nước này. Người dân Đức cũng đề nghị cung cấp tới 300.000 nhà riêng làm chỗ ở cho người tị nạn Ukraine.

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) dự đoán trong trường hợp tình hình tại Ukraine vẫn bất ổn, có khả năng có đến 4 triệu công dân nước này sẽ phải rời đất nước.

Người tị nạn từ Ukraine cần mang theo hộ chiếu, giấy khai sinh của trẻ em đi kèm và giấy tờ y tế. Để được cấp quy chế tị nạn, họ cần là công dân Ukraine hoặc người sống hợp pháp tại Ukraine như sinh viên nước ngoài…

Đài BBC (Anh) ngày 10/3 đưa tin Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị “bật đèn xanh” để cấp phép cho người tị nạn Ukraine được sống và làm việc tại 27 quốc gia thành viên khối trong 3 năm. Theo kế hoạch này, họ còn có thể nhận phúc lợi xã hội, nơi ở, điều trị y tế và cho con em đến trường.

Hà Linh/Báo Tin tức
LHQ cảnh báo xung đột Nga-Ukraine gây khủng hoảng lương thực toàn cầu 
LHQ cảnh báo xung đột Nga-Ukraine gây khủng hoảng lương thực toàn cầu 

Các quốc gia liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột là những nước xuất khẩu nông sản lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN