Theo hãng thông tấn TASS hôm 28/4, ông Sergey Kupriyanov, phát ngôn viên của Tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom, cho biết Ba Lan vẫn mua khí đốt của Nga dù trước đó tuyên bố rằng họ sẽ “đoạn tuyệt” với nguồn cung từ Moskva.
“Tuần này, Ba Lan đã từ chối thanh toán khí đốt của Nga theo thủ tục mới trả bằng đồng rúp. Warsaw đã chính thức thông báo rằng sẽ không cần khí đốt của Nga và sẽ không mua nữa. Tuy nhiên trên thực tế, Ba Lan vẫn đang mua khí đốt của Nga. Sau khi nguồn cung trực tiếp sang nước này bị đình chỉ, Ba Lan giờ đây mua khí đốt qua Đức với dòng chảy ngược thông qua đường ống Yamal- châu Âu”, ông Kupriyanov nói.
Ông Kupriyanov cho biết thêm rằng lượng khí đốt chuyển ngược từ Đức tới Ba Lan là khoảng 30 triệu m3/ngày, gần như tương đương với mức được quy định trong hợp đồng nhập khẩu trước đó với Gazprom. Vào đầu ngày 28/4, dòng khí đốt chuyển ngược từ Đức đến Ba Lan thông qua đường ống dẫn khí Yamal-châu Âu đã tăng thêm 3,5%, sau khi tăng hơn 5 lần vào ngày trước đó.
Hôm 27/4, Gazprom cho biết Tập đoàn năng lượng này đã đình chỉ hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho công ty Bulgargaz (Bulgaria) và PGNiG (Ba Lan) do không thanh toán bằng đồng rúp đúng hạn. Trước đó, vào cuối tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh yêu cầu các quốc gia “không thân thiện” phải thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Đồng thời Moskva cho biết sẽ từ chối chấp nhận thanh toán khí đốt với các quốc gia đó bằng các loại tiền tệ “thỏa hiệp”, đặc biệt là đồng USD và euro.
Theo số liệu do Cơ quan Hải quan Liên bang Nga cung cấp, lượng khí đốt của Nga cung cấp cho Ba Lan đã tăng 9,4% trong năm 2021 lên 10,58 tỷ m3. Trong khi đó, lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vào Bulgaria đã tăng gấp đôi vào năm ngoái lên 3,15 tỷ m3.