Theo hãng tin Reuters (Anh), sở thú London mở cửa cho các nhà khoa học vào năm 1828 và bắt đầu đón khách từ năm 1847. Đây là một trong những địa điểm tham quan được du khách yêu thích nhất khi đến thủ đô Vương quốc Anh. Nhưng giống như mọi nơi khác trong thành phố, sở thú đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn đang diễn ra khi dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến việc duy trì hoạt động.
Không giống như các viện bảo tàng hay một phòng trưng bày nghệ thuật, sở thú không thể đóng cửa mà bỏ mặc hàng nghìn động vật đang cần sự chăm sóc hàng ngày. Từ những con thú lớn như sư tử, khỉ đột, ngựa vằn, hươu cao cổ đến những con vật nhỏ bé như gián gió Madagascar, tất cả các loài động vật đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn hơn bao giờ hết.
Việc chăm sóc và bảo tồn động vật là một công việc tốn kém và mất nhiều công sức. Năm ngoái, sở thú London và sở thú ZSL’s Whipsnade đã thu được khoảng 33 triệu USD từ việc bán vé mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu lệnh phong tỏa còn kéo dài, không có doanh thu từ việc bán vé, một kịch bản kinh hoàng sẽ diễn ra với các sở thú này.
Cùng với đó, tình trạng thiếu nhân lực cũng đang là một mối lo lớn khi các nhân viên trông coi sở thú, bác sĩ thú y, nhân viên an ninh và nhân viên mặt đất đều phải thực hiện lệnh tự cách ly. Những con vật giờ đây không người chăm sóc, thiếu thốn thực phẩm, buộc đại diện sở thú phải kêu gọi hỗ trợ để đảm bảo an toàn cho những con vật.
“Thông thường, nguồn thu của chúng tôi phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ của cộng đồng, vì vậy, nếu không có khách đến tham quan, chúng tôi sẽ không có thu nhập. Chúng tôi đã lên kế hoạch cho việc này, những con vật của chúng tôi ăn rất nhiều và chúng tôi phảm đảm bảo nguồn cung ứng cho chúng. Cho dù là trái cây, rau quả, thịt, chúng tôi đều rất cần nguồn cung cấp lâu dài. Hy vọng mọi người hãy hỗ trợ cho chúng tôi bằng hành động quyên góp”, Giám đốc điều hành sở thú ZSL’s Whipsnade, bà Kathryn England, kêu gọi.
Để đảm bảo sự sống cho những con vật, khoảng 50 nhân viên đã chấp nhận sinh sống tại sở thú. Khi tiếp xúc với động vật, các nhân viên sẽ phải mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang và găng tay một cách cẩn trọng nhất.
“Họ không được phân loại là những nhân viên chủ chốt nhưng họ rất cần thiết đối với chúng tôi. Họ là những nhân viên rất tận tụy. Một số người đã luôn túc trực ở đó để đảm bảo những con vật có thể nhận được sự chăm sóc tốt nhất”, bà England nói.
Không có nhiều đám đông vây xung quanh, một số người cho rằng các con vật sẽ được tận hưởng cảm giác bình yên và tĩnh lặng hiếm có, nhưng điều đó cũng mang lại nhiều thách thức.
“Những người cai quản vườn thú không chỉ phải cho chúng ăn, dọn vệ sinh chuồng thú mà còn phải tạo ra không khí vui vẻ bởi vì đây là môi trường rất khác lạ khi không có khách tham quan. Những con mèo lớn dường như không bị làm phiền, giống như Bhanu, con sư tử chỉ lang thang trong nắng. Nhưng dê và chim cánh cụt có một chút bối rối”, bà England nói.
Mặc dù chính quyền khẳng định lệnh phong tỏa sẽ không gây nguy hiểm cho bất kỳ loài động vật nào. Tuy nhiên, đại diện sở thú cho biết việc không có doanh thu là một trong những thách thức lớn nhất mà sở thú phải sẽ đối mặt.
“Trong những năm suôn sẻ, chúng tôi cũng đã từng là một tổ chức từ thiện. Nhưng hiện tại, chúng tôi thực sự đang rất cần sự hỗ trợ và ủng hộ từ mọi người”, bà England nói.