Chiều 10/9, bão Daniel đã đổ bộ vào Libya gây ra mưa lớn, khiến hai con đập ở Derna vỡ cùng lúc, tạo ra dòng chảy xiết dâng cao cuốn trôi nhiều nhà cửa, xoá sổ toàn bộ khu dân cư dọc theo con sông chảy từ trên núi xuống. Tới nay, thảm hoạ đã khiến ít nhất 5.300 người chết và 10.000 người mất tích.
Tại thành phố Derna, nơi có khoảng 125.000 dân và bị ảnh hưởng nặng nề nhất, người ta thấy những khu dân cư bị tàn phá, các tòa nhà bị cuốn trôi, ô tô lật trên mái nhà, những con đường sụt gẫy và hàng loạt đống đổ nát do dòng nước lũ để lại.
Theo ước tính ban đầu khoảng 1/4 thành phố biến mất và chỉ riêng tại đây đã tìm thấy hơn 1.000 thi thể trong khi còn có tới 6.000 người mất tích, bao gồm nhiều người có thể đã bị nước lũ cuốn ra biển.
Không ai sẵn sàng đối phó bởi thảm hoạ xảy ra trong đêm và hầu hết mọi người đều đang ngủ. Nhiều người cảm thấy chưa bao giờ sợ hãi như bây giờ bởi họ mất liên lạc với tất cả gia đình, bạn bè và hàng xóm.
Libya là quốc gia có 6 triệu dân, đã rơi vào tình trạng chia rẽ giữa các phe phái tham chiến kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi.
Hiện nay, ở nước này tồn tại hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng.
Trong khi Libya hứng chịu thảm hoạ lũ lụt thì tại một quốc gia Bắc Phi khác là Maroc, động đất thế kỷ đã xảy ra vào tối 8/9.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), thảm họa mạnh 6,8 độ và là trận động đất mạnh nhất từng tấn công quốc gia Bắc Phi này trong một thế kỷ qua.
Trong khi đó, Giáo sư Iyd al-Tarazi thuộc Khoa Địa chấn và Thảm họa tự nhiên tại Đại học Hashemite ở Jordan nhận định, trận động đất ở Maroc mạnh ngang 25 quả bom nguyên tử.
Tới nay, các nhà chức trách xác nhận hơn 2.900 người đã thiệt mạng và trên 5.500 người khác bị thương.
Hầu hết các trường hợp thiệt mạng được ghi nhận ở khu vực miền núi gần tâm chấn, những nơi mà hầu hết nhà được xây bằng gạch bùn và gỗ hoặc gạch làm bằng than xỉ và xi măng, có kết cấu ít khả năng chống chịu động đất.
Các đội cứu hộ đang chạy đưa với thời gian để tìm kiếm nạn nhân mắc kẹt trong đống đổ nát, nhưng họ gặp khó khăn trong việc di chuyển tới các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đường sá bị hư hỏng, nhiều tòa nhà đã đổ sập.
Vài ngày sau trận động đất, người dân nhiều nơi tại Maroc đang ngủ ngoài đường vì sợ phải trở về nhà. Trong khi đó, khách du lịch đổ xô về các sân bay. Họ cắm trại ở sân bay, cố gắng rời khỏi quốc gia châu Phi này càng sớm càng tốt.
Cảm giác lo sợ về dư chấn bao trùm bởi sau động đất chắc sẽ xảy ra các đợt dư chấn và ngay cả khi dư chấn yếu hơn, chúng vẫn có thể dẫn đến sự sụp đổ của những tòa nhà vốn đã bị lung lay, rạn nứt, nghiêng vẹo do trận động đất.