Hai ngày sau khi xảy ra trận động đất kinh hoàng và gây thương vong nhiều nhất tại Afghanistan trong nhiều năm qua, lực lượng cứu hộ ngày 9/10 tiếp tục chạy đua với thời gian với hy vọng có thể cứu sống những người vẫn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Đối với họ, ngay cả việc có thể kéo được thi thể của người thiệt mạng ra khỏi đống đổ nát cũng phần nào an ủi những thân nhân còn sống. Tia hy vọng le lói sau những hình ảnh của một đoạn video được chia sẻ trực tuyến về việc người dân ở thành phố Herat giải cứu được một bé gái bị kẹt trong đống đổ nát của tòa nhà bị sập. Một cánh tay ôm lấy thân bé khi lực lượng cứu hộ đưa đứa trẻ ra khỏi đống đổ nát. Lực lượng cứu hộ cho biết đó là mẹ của đứa bé song không rõ người mẹ đó còn sống sót hay không.
Một phóng viên ảnh tác nghiệp tại hiện trường miêu tả: "Phần lớn người dân đều bàng hoàng… Một số người thất thần, không thể nói lên lời. Những người khác thì không ngừng gào thét trong nước mắt".
Chính quyền cấp quốc gia và cấp tỉnh ở Afghanistan cũng đã cử các đội cứu hộ đến những khu vực chịu thiệt hại do động đất để hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn. Tại huyện Zanda Jan (tỉnh Herat) bị ảnh hưởng nặng nề, khắp nơi đều là đống đổ nát, phụ nữ và trẻ em tập trung ở ngoài trời để tránh dư chấn có thể tiếp tục xảy ra. Người dân ở huyện Zindajan (tỉnh Herat) thì không còn nơi nương thân và trú ẩn do toàn bộ nhà cửa ở đây đã bị phá hủy hoàn toàn. Do thiếu trang thiết bị cứu hộ, lực lượng giải cứu và người dân địa phương đã phải dùng tay không dọn dẹp các đống đổ nát để tìm kiếm những người sống sót cũng như thi thể các nạn nhân xấu số.
Ngày càng có nhiều thông tin về người thiệt mạng tại các khu vực xa xôi, nơi mà các cuộc xung đột ở quốc gia Tây Nam Á này trong hàng thập kỷ qua đã khiến nhiều tòa nhà và các cơ sở hạ tầng khác bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, việc tổ chức cứu hộ và khắc phục hậu quả của trận động đất tại những khu vực xa xôi như vậy lại không hề dễ dàng. Mặc dù khó khăn như vậy nhưng một người phát ngôn của thống đốc tỉnh Herat khẳng định: "Lực lượng cứu hộ vẫn đang khẩn trương triển khai hoạt động tìm kiếm người thiệt mạng và mất tích".
Trong khi đó, công tác điều trị những người bị thương cũng gặp không ít trở ngại. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Afghanistan phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn viện trợ nước ngoài. Thế nhưng, kể từ khi Taliban quay trở lại nắm quyền vào ngày 15/8/2021, nhiều tổ chức và cơ quan viện trợ phát triển đã rút khỏi hoặc cắt giảm các chương trình hỗ trợ phát triển dành cho quốc gia Tây Nam Á này. Việc cắt giảm đột ngột đã ảnh hưởng đến khả năng duy trì hoạt động của các dịch vụ công cộng thiết yếu như dịch vụ chăm sóc y tế. Với ước tính khoảng vài nghìn người bị thương cho đến thời điểm này, tình trạng đó sẽ tạo thêm nhiều áp lực nặng nề đối với hệ thống y tế. Người phát ngôn của Bộ Bộ Xử lý thảm họa, ông Mullah Janan Sayeeq nhấn mạnh Afghanistan "cần sự hỗ trợ của tất cả các nước vào thời điểm cấp thiết này".
Liên hợp quốc và một số nước láng giềng đã cam kết cung cấp viện trợ cho Afghanistan. Các nước gồm Pakistan, Iran và Trung Quốc cam kết hỗ trợ tài chính, lương thực thực phẩm, chăn màn, thuốc men và lều tạm cho người dân bị ảnh hưởng. Riêng Islamabad tuyên bố sẵn sàng cử đội ứng phó khẩn cấp đến hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn. Một nhóm chuyên gia của Iran đã đến Afghanistan trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ những nỗ lực khắc phục hậu quả trận động đất.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, Chương trình Lương thực thế giới, Tổ chức Y tế thế giới cùng các tổ chức khác đang nỗ lực chạy đua với thời gian để đưa hàng cứu trợ đến tỉnh Herat, tâm chấn của trận động đất đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.400 người. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc đã phân bổ 5 triệu USD từ quỹ dự trữ khẩn cấp và có thể bắt đầu sử dụng nguồn hỗ trợ tài chính này từ ngày 9/10. Tổ chức Di trú quốc tế đã đã điều động 4 xe cứu thương cùng đội ngũ bác sĩ và nhân viên tư vấn tâm lý đến các bệnh viện và địa phương chịu ảnh hưởng để hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho người dân.
Thế nhưng, ngay cả những nỗ lực huy động nguồn viện trợ nói trên cũng có nguy cơ không thể hoặc khó có thể đến được tay người dân bị ảnh hưởng. Các quan chức ngoại giao và quan chức viện trợ bày tỏ lo ngại rằng những quy định hạn chế của Taliban đối với phụ nữ đang khiến nhiều nhà tài trợ cắt giảm hỗ trợ tài chính cho Afghanistan. Theo các cơ quan viện trợ, khoảng 75% dân số nước này hiện phụ thuộc vào các nguồn hỗ trợ nhân đạo. Sau thảm họa động đất nói trên, con số này sẽ còn cao hơn nữa.
Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) cho biết mức độ thiệt hại rất khủng khiếp. Theo ông Arshad Malik - Giám đốc của Tổ chức Cứu trẻ em tại Afghanistan, số người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này thực sự đáng lo ngại và những con số thiệt hại sẽ tăng lên do nhiều người vẫn bị mắc kẹt trong đống đổ nát ở Herat. Ông Malik nhấn mạnh: "Đây là khủng hoảng chồng khủng hoảng. Ngay cả trước khi xảy ra thảm họa này, trẻ em đã phải chịu cảnh thiếu thốn lương thực trầm trọng".
Ngày 7/10, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết trận động đất có độ lớn 6,3 kèm theo nhiều dư chấn mạnh đã làm rung chuyển khu vực miền Tây Afghanistan. Tâm chấn của trận động đất cách thành phố Herat, thủ phủ tỉnh Herat, 35 km về phía Tây Bắc. Đây là một trong những thảm họa động đất cướp đi nhiều sinh mạng nhất xảy ra trên thế giới trong năm nay sau trận động đất kinh hoàng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hồi tháng 2 khiến hơn 50.000 người thiệt mạng.
Chính quyền Taliban ngày 8/10 đã ghi nhận hơn 2.400 nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất gây thiệt hại về người nghiêm trọng nhất tại quốc gia Tây Nam Á này trong những năm gần đây. Trong khi đó, Bộ Xử lý thảm họa Afghanistan xác nhận số nạn nhân thiệt mạng đã lên tới 2.445 người, song hạ thấp số nạn nhân bị thương xuống hơn 2.000 người, so với 9.240 người được thông báo trước đó. Cũng theo bộ này, 1.320 ngôi nhà đã bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn.