Càng tiến đến gần vùng tâm chấn, đường đi càng gian nan nguy hiểm. Không chỉ đường sụt, lún, nứt, dễ gây tai nạn, cả một đoạn đường dài gần 50 km không có trạm xăng, trạm sửa xe… Khá nhiều xe bị tai nạn gãy bánh hoặc hết xăng phải dừng lại dọc đường mà không thể gọi được xe cứu hộ. Nhóm thiện nguyện gồm 5 bạn Thành Được, Minh Hải, Thanh Phong, Đăng Mạnh và Phan Tuấn đã cố gắng tiến vào đến thị trấn Wajima, nơi các bạn được biết là có 7 nữ thực tập sinh Việt Nam không liên lạc được kể từ khi xảy ra động đất.
Sau nhiều nỗ lực loanh quanh tìm đường vào, lúc thì lạc đường cấm, lại phải quay ra tìm đường khác, nhóm thiện nguyện cuối cùng đã tìm được đến nơi 7 bạn nữ lánh nạn. Cảm giác vỡ òa khi biết cả 7 bạn đều bình an khiến cho những chàng trai trong nhóm tình nguyện phải quay lưng giấu đi những giọt nước mắt.
Các lao động nữ Việt Nam gồm Trần Thị Thành, Lê Thị Ngọc Hiếu, Trần Thị Thu Hiền, Phan Thị Hiện, Phan Thị Phức, Nguyễn Thị Liên và Đào Thị Vy. Các em làm việc cho Công ty may Shimizu tại thị trấn Wajima, tỉnh Ishikawa. Theo lời kể của các em, khi động đất xảy ra, các em chỉ kịp nhắn với gia đình: “Con phải trốn vì đang có động đất, sắp có sóng thần”. Các em được chính quyền và người dân địa phương hướng dẫn chạy vào nhà sinh hoạt cộng đồng của địa phương. Sau đó, khu vực này rơi vào cảnh mất điện, mất nước, mất sóng thông tin liên lạc...
Dư chấn vẫn xảy ra đã khiến khu vực này bị cô lập nhiều ngày sau trận động đất. Thị trấn Wajima là một trong những địa phương sát vùng tâm chấn nhất nên bị thiệt hại khá nặng nề. Cho đến chiều 5/1, đây vẫn là khu vực khó tiếp cận và được xếp trong diện nguy hiểm vì dư chấn vẫn xuất hiện. Những người dân địa phương ban ngày về nhà nhưng khi trời tối, tất cả vẫn vào nhà cộng đồng ngủ để đề phòng nguy cơ sóng thần. Chính quyền địa phương đã chạy một máy nổ phát điện để thắp sáng một bóng đèn nhỏ tại nhà cộng đồng vào ban đêm. Khi trời tối, nơi lánh nạn trở thành điểm sáng yếu ớt duy nhất trong một màn đêm rộng lớn.
Các lao động Việt Nam trải qua 2 ngày đầu tiên sau động đất không có thức ăn. Từ ngày thứ ba, các em đã được chính quyền hỗ trợ bánh mì và nước uống. Cuộc sống sau động đất vô cùng khó khăn không chỉ với lao động Việt Nam mà cả những người dân địa phương, thiếu thốn đồ ăn và thức uống trong khi thời tiết mùa đông khá lạnh giá. Thế nhưng, điều các em canh cánh trong lòng là gia đình không thể nhận được thông tin gì của mình kể từ tin nhắn cuối cùng vào ngày 1/1.
Em Phạm Thị Phức và em Nguyễn Thị Liên cho biết nhà ở của 7 chị em đã bị sập trong động đất. Sau khi xảy ra động đất, các em đã về nhà bới trong đống đổ nát tìm đồ ăn và chăn để đem ra nhà lánh nạn sử dụng trong thời gian cầm cự chờ cứu trợ.
Chính vì vậy, khi nhìn thấy những nhóm tình nguyện Việt Nam đến, các em đã nghẹn ngào. Cảm giác được quan tâm, được chia sẻ và biết mình không bị bỏ rơi đã khiến các em nghẹn lời. Nhóm tình nguyện đã đưa điện thoại của mình cho các em liên lạc với gia đình ở Việt Nam. Trong câu chuyện có nước mắt xen lẫn nụ cười, gia đình của các em ở Việt Nam đã an tâm khi biết người thân vẫn an toàn sau thảm kịch động đất.
Tối muộn 5/1, một siêu thị cách nơi lánh nạn của các lao động nữ Việt Nam khoảng 400 m bắt đầu được dọn dẹp và bán hàng trở lại. Điểm sáng thứ hai đã xuất hiện trong màn đêm rộng lớn ở thị trấn Wajima như một dấu hiệu hồi sinh đầu tiên của thị trấn kể từ sau động đất.
Trên gương mặt các em Thành, Hiếu, Hiền, Phức, Hiện, Liên và Vy đã bớt đi nét lo lắng, bất an. Tình đồng bào ấm áp trong khó khăn đã thắp sáng trở lại nụ cười hy vọng.