Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đẩy mạnh cung cấp viện trợ cho các nạn nhân của trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria trong khuôn khổ chiến dịch mang tên “Gallant Knight/2” diễn ra suốt 12 ngày qua.
Ngày 17/2, hãng thông tấn quốc gia UAE (ENA) đưa tin cho đến nay, 97 chuyến bay chở hàng đã được huy động đến cả 2 quốc gia kể trên, trong đó 58 chuyến bay chở 1.918 tấn vật tư cứu trợ tới Syria và 39 chuyến bay mang theo 706 tấn hàng tới Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng cộng, 2.624 tấn thực phẩm, vật tư y tế và lều trú ẩn đã được chuyển đến hai nước.
Theo ENA, đội tìm kiếm và cứu hộ của UAE đang sử dụng các thiết bị tiên tiến để cứu những người còn mắc kẹt dưới đống đổ nát ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngay sau khi xảy ra thảm họa động đất, UAE đã cam kết viện trợ 13,6 triệu USD cho Syria và sau đó thông báo viện trợ thêm 50 triệu USD.
Trong khi đó, ngày 17/2, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) thông báo kể từ khi trận động đất kinh hoàng xảy ra hồi đầu tuần trước, hơn 140 xe tải vận chuyển hàng viện trợ thiết yếu đã vượt qua Thổ Nhĩ Kỳ để tiến vào khu vực Tây Bắc Syria do lực lượng nổi dậy kiểm soát.
Phát biểu trước báo giới, ông Jens Laerke - người phát ngôn của OCHA - cho hay: “Kể từ ngày 9/2 đến đêm 16/2, chúng tôi đã có tổng cộng 143 xe tải đi qua các cửa khẩu Bab al-Hawa và Bab al-Salama. Hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ sẽ vẫn tiếp tục để hỗ trợ các nạn nhân bị ảnh hưởng động đất ở Syria”.
Tình hình ở khu vực Tây Bắc Syria do lực lượng nổi dậy kiểm soát hiện vẫn rất tồi tệ vì hoạt động vận chuyển hàng viện trợ tới khu vực bị tàn phá nặng nề trong nhiều năm xung đột diễn ra chậm chạp. Trước khi trận động đất xảy ra, hầu hết hàng viện trợ nhân đạo quan trọng cho hơn 4 triệu người sinh sống ở khu vực này chỉ có thể được chuyển đến qua cửa khẩu Bab al-Hawa. Đầu tuần này, Chính phủ Syria đã đồng ý mở thêm 2 cửa khẩu để tạo điều kiện cho hoạt động vận chuyển hàng viện trợ.
Ông Laerke cũng cho biết số xe tải nói trên đã chở nhiều hàng viện trợ từ 6 cơ quan của LHQ, bao gồm Tổ chức Di cư quốc tế, Cao ủy LHQ về Người tị nạn, Quỹ Dân số LHQ, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).