Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria: Năng lượng giải phóng từ động đất tương đương 32 quả bom nguyên tử

Theo báo The New York Times, năng lượng giải phóng ra từ trận động đất vào sáng 6/2 ở khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tương đương 32 quả bom nguyên tử đã thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản cách đây gần 80 năm. Đây là nhận định của Giám đốc Viện Núi lửa và Địa chấn học Philippines, Renato Solidum khi đánh giá về các trận động đất có độ lớn từ 7 trở lên. 

Chú thích ảnh
Lực lượng cứu hộ và tình nguyện viên tìm kiếm các nạn nhân và người sống sót mắc kẹt trong đống đổ nát sau động đất mạnh ở làng Besnia, gần thị trấn Harim, tỉnh Idlib (Syria), giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/2/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Các chuyên gia cho rằng trận động đất gây thiệt hại lớn do xảy ra ở khu vực đông dân cư và vào rạng sáng khi nhiều người còn đang ngủ. Ngoài ra, tâm chấn nông cũng là yếu tố gia tăng mức độ tàn phá. Một nhân tố khác cũng ảnh hưởng đến mức độ tàn phá là chất lượng xây dựng của các tòa nhà trong khu vực. Theo dữ liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), cấu trúc của phần lớn các tòa nhà trong khu vực đều rất dễ chịu tác động của các đợt rung chấn.

Nhà địa chấn học Susan Hough của USGS nhận định dù không phải trận động đất mạnh nhất thế giới, nhưng động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt nguy hiểm. Mặc dù dữ liệu của USGS cho thấy trận động đất có độ lớn 7,8, nhưng một số chuyên gia nhận định con số này có thể lớn hơn. Trong báo cáo đưa ra khoảng 30 phút sau trận động đất, các chuyên gia của USGS ước tính có 34% khả năng số người thiệt mạng ở mức 100 - 1.000 người và 31% khả năng số người thiệt mạng ở mức 1.000 - 10.000 người. Thiệt hại về kinh tế là tương đương 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, chuyên gia Januka Attanayake của Đại học Melbourne (Australia) đánh giá năng lượng do trận động đất giải phóng ra tương đương năng lượng đủ để thành phố New York (Mỹ) tiêu thụ trong 4 ngày. Theo ông Attanayake, đây dường như là một phần trong loạt trận động đất. Một đường đứt gãy dài khoảng 1.500 km chia tách mảng kiến tạo Á - Âu ở phía Bắc với mảng kiến tạo Anatolia ở phía Nam đã tạo ra nhiều trận động đất có độ lớn từ 6,7 trở lên kể từ năm 1939.

Trận động đất độ lớn 7,8 xảy ra lúc 4h17 sáng 6/2 (giờ địa phương), với tâm chấn ở độ sâu khoảng 18 km gần thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, cách biên giới Syria khoảng 60 km. Con số thiệt hại về người và tài sản đã tăng lên nhanh chóng, trong bối cảnh lực lượng cứu hộ đang nỗ lực hết sức để xác định vị trí của những người sống sót bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của hàng nghìn tòa nhà bị sập. Theo hãng tin AFP, tính đến 14h30 ngày 7/2 (giờ Hà Nội), số người thiệt mạng đã lên tới gần 4.900 người, trong đó riêng tại Thổ Nhĩ Kỳ là 3.1 người. Đây được xem là trận động đất mạnh nhất trong gần một thế kỷ ở khu vực này.

Theo Cơ quan quản lý thảm họa và khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ, động đất đã khiến hơn 5.600 tòa nhà bị san phẳng. Tổng cộng có 14.720 người đang tham gia hỗ trợ tại khu vực xảy ra thảm họa. Thổ Nhĩ Kỳ đã ban bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời chính thức đề nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đồng minh hỗ trợ khắc phục hậu quả sau thảm họa.

Đặng Ánh  (TTXVN)
Động đất mạnh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Nhiều nước cử lực lượng cứu hộ hỗ trợ
Động đất mạnh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Nhiều nước cử lực lượng cứu hộ hỗ trợ

Ủy ban châu Âu (EC) thông báo đã điều lực lượng tìm kiếm cứu hộ từ 10 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để hỗ trợ hai nước khắc phục hậu quả động đất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN