Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Oasinhtơn (Mỹ) đã kết thúc mà các bên vẫn chưa nhất trí được một giải pháp thuyết phục để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực đồng euro (Eurozone), trong khi có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng này có thể đẩy nền kinh tế thế giới tới một thảm họa mới.
Eurozone đang lâm nguy. Ảnh: internet |
Tại hội nghị, Hy Lạp phủ nhận những lời cảnh báo của giới quan sát tư nhân cho rằng khả năng chính phủ nước này vỡ nợ là khó tránh khỏi. Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos ví cuộc khủng hoảng nợ công là cuộc chiến mà nước này phải giành chiến thắng và Aten sẽ làm mọi cách “dù phải trả giá thế nào về chính trị”. Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp Christian Noyer cũng trấn an các thị trường tài chính, vẫn còn chưa lại sức sau một tuần hoảng loạn, rằng ngay cả trong trường hợp Hy Lạp bị vỡ nợ thì các ngân hàng Pháp vẫn đủ sức để vượt qua sóng gió mà không bị sụp đổ dây chuyền. Ước tính các ngân hàng Pháp có khoảng 60 tỷ USD bị kẹt trong các khoản nợ của Hy Lạp.
Tuy nhiên, đại diện của các nước và các tổ chức liên quan đều nói rằng họ chưa thể thảo luận nghiêm túc về các biện pháp cấp bách cho tình hình hiện nay, như tăng quỹ tín dụng giải cứu cho các thành viên Eurozone hay giảm bớt gánh nặng cho các chủ nợ tư nhân đang nắm giữ trái phiếu của Hy Lạp. Thay vào đó, tất cả những gì họ có thể làm lúc này là chờ chương trình hành động của Eurozone, ký hôm 21/7 vừa qua, được quốc hội các nước thành viên phê chuẩn, đặc biệt là Đức - thành viên có tiềm lực tài chính mạnh nhất khu vực.
Những cảnh báo về một sự sụp đổ dây chuyền không chỉ đến từ khu vực tư nhân hay phản ứng của thị trường. Phát biểu sau hội nghị, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde thông báo một tin khiến nhiều người giật mình: Tổ chức chuyên đi “chữa cháy” này có thể sẽ không đủ tiền để giải cứu nếu như một thành viên khác lớn hơn Hy Lạp bị “bén lửa” từ cuộc khủng hoảng đồng euro. Bà Lagarde cho biết, số tiền mà IMF đang nắm giữ, khoảng 400 tỷ USD, “hiện tại có vẻ ổn nhưng sẽ không đủ nếu so sánh với nhu cầu tài chính của các nước đang bị đe dọa”. Trước đó, hôm 24/9, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Alistair Darling, người cầm trịch nền kinh tế Anh trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, cũng cho rằng những khó khăn mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt hiện nay còn “tồi tệ hơn những gì xảy ra cách đây 3 năm”.
Trong báo cáo “Triển vọng Kinh tế Thế giới” đưa ra tuần trước, IMF nhận định “nền kinh tế thế giới đang ở trong một giai đoạn nguy hiểm mới”. Mặc dù thời điểm soạn thảo báo cáo cách đây khá lâu, song những gì xảy ra trong tuần đã chứng minh nhận định này hoàn toàn xác đáng. Sau khi Italia bị tổ chức Standard & Poors đánh tụt hạng tín dụng là những thông tin cho thấy hoạt động kinh doanh ở Eurozone suy giảm lần đầu tiên trong hơn 2 năm qua, các ngân hàng lớn của Pháp có nguy cơ bị vỡ nợ vạ lây bởi cuộc khủng hoảng Hy Lạp và nhà đầu tư chứng khoán tháo chạy bất chấp nỗ lực bơm thêm vốn của các ngân hàng trung ương. Trước đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tiềm năng tăng trưởng của 34 quốc gia thành viên tổ chức này đã bị giảm 2,5%.
Thị trường đang chờ đợi những tín hiệu quyết liệt hơn từ phía các nhà lãnh đạo châu Âu rằng họ một lòng muốn duy trì sự tồn tại của liên minh tiền tệ Eurozone và sẽ không để các thành viên lớn như Tây Ban Nha và Italia cũng như hệ thống ngân hàng khu vực sa chân theo Hy Lạp. Ước tính để đảm bảo điều này không xảy ra, các chính phủ EU cần phải có khoảng 2.000 tỷ euro trong cơ chế bình ổn tài chính (EFSF) – một con số quá lớn khi mà các nước đều đã dốc sức để vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Phát biểu sau khi tham dự hội nghị của IMF và WB, trưởng đại diện của Standard Chartered tại Mỹ, David Mann nói: “Chúng tôi không cảm nhận được sự khẩn trương từ các chính trị gia châu Âu trong xử lý vấn đề. Họ thậm chí không thể thống nhất với nhau về nguyên nhân, chưa nói đến việc đưa ra một cơ chế ngăn chặn một thảm họa tài chính nữa kiểu Lehman”.
Đứng trước những nguy cơ thực sự đẩy Eurozone đến chỗ tan rã, khả năng cao Quốc hội Đức sẽ buộc phải bỏ phiếu thông qua đề xuất giải cứu đồng tiền chung khu vực. Anh, một thành viên khác của EU nhưng không thuộc Eurozone, cũng sốt ruột thúc giục các bên nhanh chóng tìm giải pháp. Dường như giới chính trị đã hiểu ra rằng giờ không phải là lúc tranh cãi ai đúng ai sai, mà là lúc phải cùng nhau hành động trước khi tình hình trở nên quá muộn.
Tuy nhiên, để thực hiện các giải pháp như tăng vốn cho quỹ cứu trợ khẩn cấp EFSF hay thông qua Ngân hàng Trung ương châu Âu mua trái phiếu của các nước gặp khủng hoảng, EU sẽ phải vượt qua một loạt rào cản về thủ tục. Thời điểm hoàn tất sớm nhất có thể sẽ là Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Cannes (Pháp) vào tháng 11 tới. Từ nay tới đó, nếu các thị trường liên tục mất lòng tin hoặc một thành viên khác bị vỡ nợ theo Hy Lạp, Eurozone sẽ không còn cơ hội cứu vãn.
Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)