Theo đó, vào lúc 8h49 giờ GMT (tức 15h49 theo giờ Việt Nam), đồng euro giao dịch ở mức 1 euro đổi 1,10489 USD, giảm 0,32%, sau khi tăng 1,6% trong ngày trước đó. Đồng euro được xem là thước đo của cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất châu Âu kể từ năm 1945. Đầu tuần này, đồng euro chạm mức thấp nhất trong 22 tháng, theo đó 1 euro đổi 1,0804 USD, trong bối cảnh các nhà đầu tư dự kiến tác động đáng kể đối với tăng trưởng châu Âu.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi diễn biến cuộc họp của ECB ngày 10/3, trong đó các nhà hoạch định chính sách châu Âu cân nhắc biện pháp nhằm kìm hãm lạm phát tăng cao trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của khối. Các nhà đầu tư hiện đang dự kiến ngân hàng trung ương sẽ dần loại bỏ kế hoạch mua trái phiếu, vốn được ban hành khi đại dịch bùng phát, và thực hiện nhiều đợt tăng lãi suất cơ bản trong năm 2022.
ECB đang theo sau các ngân hàng trung ương lớn khác như Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Anh trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ hậu COVID-19. Một số thông tin gần đây cho thấy các nhà lãnh đạo EU đang xem xét phát hành trái phiếu chung để tài trợ cho năng lượng và chi tiêu quốc phòng.
Cùng ngày, trên sàn chứng khoán châu Âu, các mã cổ phiếu đều trượt giá trước thềm cuộc đối thoại Nga - Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ và cuộc họp của ECB. Cụ thể, chỉ số STOXX 600 giảm 0,7% sau khi phục hồi trong phiên trước đó.
Trong số các cổ phiếu, mã cổ phiếu của Carlsberg giảm 2,5% sau khi nhà sản xuất bia Đan Mạch này đình chỉ dự báo do không chắc chắn về thị trường tại Nga và cho biết họ đã bắt đầu xem xét lại chiến lược hoạt động kinh doanh tại nước này.
Trong khi đó, giá dầu Brent tăng 5,1% lên mức 116,80 USD/thùng trong phiên giao dịch sáng cùng ngày. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 3,5%, lên mức 112,58 USD/thùng.
Giá dầu Brent và WTi đã tăng hơn 12% trong phiên giao dịch ngày 9/3, trong bối cảnh các nhà đầu tư không kỳ vọng nhiều về vòng đám phán giữa Nga và Ukraine.
Chuyên gia Neil Wilson thuộc Markets.com cho rằng giá dầu thô đã giảm mạnh sau khi Các tiểu vương quốc Arab thống nhất thông báo có thể bơm thêm dầu ra thị trường và kêu gọi các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng. Bên cạnh đó, việc Iraq để ngỏ khả năng nâng sản lượng và tín hiệu tích cực trong cuộc đàm phán hạt nhân Iran có thể ảnh hưởng đến giá dầu.