Đó là câu nói của Giáo sư Khoa học Sinh vật tại Đại học bang Colorado (Colorado State University, Mỹ, Temple Grandin, người phụ nữ phi thường nằm trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới của Tạp chí Time năm 2010, một trong những nhân vật nổi tiếng toàn cầu có chứng tự kỷ.
Tự kỷ, hay khoa học gọi là rối loạn phổ tự kỷ - một loại khuyết tật phát triển suốt đời do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ, được xem như chứng bệnh của thời hiện đại, song đến nay không còn quá xa lạ. Trên thế giới hiện nay, trung bình cứ mỗi 160 trẻ em thì có 1 trẻ mắc chứng tự kỷ. Tuy nhiên, vấn đề đáng báo động hơn là tự kỷ ở người trưởng thành dường như đang bị lãng quên, với khoảng 1,5 triệu người Mỹ và 700.000 người Anh bị ảnh hưởng, trong khi hơn 90% người trưởng thành bị tự kỷ đang trong tình trạng thất nghiệp, theo số liệu của Liên hợp quốc (LHQ).
Thông thường, tự kỷ được thể hiện ra ngoài bằng các khiếm khuyết về tương tác xã hội, giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, hành vi bất thường, hoạt động mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại, rối loạn cảm giác, có thể kèm theo tăng động và chậm trí tuệ. Những biểu hiện của chứng tự kỷ khá đa dạng và có mức độ khác nhau. Ở trẻ em, biểu hiện điển hình nhất là chậm phát triển so với bạn bè cùng lứa, tiếp thu chậm, học tập kém.
Như trường hợp của Giáo sư Temple Grandin, đến tận năm 4 tuổi, bà vẫn không biết nói, không thể cảm nhận được tình cảm của mọi người, không thể chịu nổi một cái ôm của bất cứ ai... Người trưởng thành thì thường gặp các vấn đề trong phát triển các kỹ năng giao tiếp xã hội, không thể kết bạn và hòa đồng với những người cùng trang lứa, sống thu mình, ngại tiếp xúc hoặc ít nói chuyện. Có khoảng 40% người bị chứng tự kỷ sẽ không bao giờ nói chuyện.
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra chứng tự kỷ. Một số nhận định cho rằng trẻ tự kỷ có thể do sự phát triển thiếu hài hòa của não bộ vì một số gene gây ra, khiến não bộ bị tổn thương. Trong quá trình mang thai, mẹ tiếp xúc thường xuyên với nhiều chất độc hại như thuốc lá, rượu bia, ma túy, môi trường ô nhiễm… làm tăng nguy cơ trẻ tự kỷ sau khi sinh ra.
Có ý kiến còn cho rằng tự kỷ là căn bệnh thời hiện đại khi bố mẹ chịu áp lực công việc, kinh tế, không thể dành nhiều thời gian chăm sóc, giao tiếp với con cái khiến chúng không cảm nhận được tình yêu thương dẫn đến tâm lý bị tổn thương. Các đô thị ngày càng phát triển, trẻ em không có không gian lành mạnh, buộc phải ở nhà xem tivi, chơi điện tử trên máy vi tính, dần dần không muốn giao tiếp với người khác. Do đó, tỷ lệ trẻ mắc chứng tự kỷ ở các quốc gia phát triển có xu hướng tăng cao hơn.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ, ước tính cứ 59 trẻ em ở Mỹ có 1 trẻ bị tự kỷ, cao hơn nhiều tỷ lệ 1/160 của toàn thế giới. Trong khi đó, tại châu Âu và châu Á, tỷ lệ trẻ em mắc chứng tự kỷ từ 1 - 2%.
Liên hợp quốc đã chọn ngày 2/4 hằng năm là “Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ” nhằm tăng cường sự hiểu biết và sự chia sẻ của cộng đồng đối với người tự kỷ. Đó là việc phát hiện sớm, đánh giá kịp thời và có kế hoạch can thiệp phù hợp đối với trẻ tự kỷ, mà trước hết là sự đồng hành của cha mẹ để giúp trẻ có cơ hội phát triển. Đó còn là những chương trình mang việc làm hay đưa người tự kỷ hòa nhập xã hội.
Câu chuyện “tìm lại chính mình” của Alex, một thanh niên ở Anh, được chẩn đoán sớm mắc chứng tự kỷ từ lúc 3 tuổi là một ví dụ. Alex từ chỗ không thể tự phát ra một từ cho đến khi 5 tuổi, đã có thể nói được những câu đơn giản sau khi được tiếp cận các chương trình giáo dục chuyên biệt và tiến triển tốt ở thời niên thiếu. Tuy nhiên, ở tuổi 27, sau khi trải qua một cú sốc tâm lý, chứng tự kỷ lại đeo đẳng Alex khi cậu rơi vào tình trạng không thể ăn và không thể nói. Khi đó, Alex được nhóm hỗ trợ người khuyết tật giúp đỡ, gặp bác sĩ, chuyên gia trị liệu và thuê các đội dịch vụ xã hội hỗ trợ cậu sống một mình với 1 chú chó. Hiện nay, Alex đã có thể sống một mình và đang là thành viên của một trang web hỗ trợ cha mẹ và người chăm sóc trẻ tự kỷ.
Bên cạnh đó, LHQ cũng phát động nhiều chiến dịch cùng hành động để cải thiện chất lượng cuộc sống của những người mắc chứng tự kỷ, giúp họ có cuộc sống đầy đủ và có ý nghĩa hơn. Một nghiên cứu do Dịch vụ Y tế quốc gia của Anh (NHS) thực hiện cho thấy người tự kỷ tuy có những khó khăn trong giao tiếp, nhưng bù lại, phần lớn trong số họ có khả năng nhìn nhận, quan sát và suy nghĩ logic và khả năng tập trung chú ý chi tiết rất tốt. Những khả năng này giúp họ có thể làm rất tốt một số công việc như đánh máy, nhập dữ liệu, làm những sản phẩm thủ công như đan lát, thêu thùa, may vá…
Hãng Microsoft của Mỹ là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc tạo cơ hội cho người tự kỷ hòa nhập xã hội. Nhiều năm nay, hãng đã triển khai chương trình tuyển dụng người tự kỷ vào làm việc cho công ty. Theo đại diện hãng này: "Một số người tự kỷ có khả năng nhớ thông tin đến mức đáng kinh ngạc, một số lại suy nghĩ rất chi tiết, trong khi những người khác lại cực kỳ giỏi trong toán hoặc viết mã lập trình. Đây có thể là những nhân tài mà chúng tôi tiếp tục muốn mang về để phát triển Microsoft".
Giáo sư Temple Grandin đã làm kinh ngạc cả thế giới bởi tài năng và nỗ lực vươn lên của bà. Từ một đứa trẻ tự kỷ chậm nói, thiếu kỹ năng sống, trước năm 4 tuổi cách giao tiếp bằng cách gào thét và bị bạn bè xa lánh, kỳ thị, bà trở thành một giáo sư đại học, một diễn giả nổi tiếng, đi đầu trong phong trào bảo vệ quyền của người tự kỷ.
Tương tự, nhà thiết kế Game người Nhật Bản Satoshi Tajiri, cha đẻ của Game Boy “ Pokémon” lẫy lừng với giá trị nhượng quyền thương mại lên đến 15 tỉ USD, hay ngôi sao điện ảnh từng đoạt giải Oscar cho vai diễn trong bộ phim The Silence of the Lambs (Sự im lặng của bầy cừu), Sir Anthony Hopkins, chỉ là một vài nhân vật điển hình cho những người tự kỷ đã vượt lên, làm được những điều kỳ diệu.
“Nhân Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ, chúng ta đề cao sự đa dạng và lên tiếng chống lại sự phân biệt đối xử”. Thông điệp của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres một lần nữa nhấn mạnh ý nghĩa của việc mọi người cùng thay đổi nhận thức và hành động để bảo đảm quyền vốn có của người tự kỷ trong xã hội, cùng đồng hành để trao cơ hội giúp họ hòa nhập với cộng đồng. Đây cũng là một mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 phát triển bền vững của LHQ trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.