Việc đào hố khoan siêu sâu thứ hai được Trung Quốc thực hiện trong bối cảnh nước này đẩy mạnh tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên ẩn sâu hàng chục nghìn mét dưới lòng đất. Theo hãng thông tấn Xinhua, hố khoan tại Bồn địa Tứ Xuyên ở Tây Nam Trung Quốc này sẽ sâu tới 10.520 mét. Các kỹ sư dự kiến sẽ tìm thấy trữ lượng khí đốt tự nhiên dồi dào tại khu vực này.
Kênh CNN (Mỹ) cho biết trước đó, vào cuối tháng 5, Trung Quốc bắt đầu khoan một hố siêu sâu khác dự kiến 11.100 mét. Hố siêu sâu này nằm tại Lòng chảo Tarim ở khu tự trị Tân Cương phía Tây Bắc Trung Quốc.
Nếu hoàn thành, chúng sẽ nằm trong nhóm những hố khoan nhân tạo sâu nhất thế giới. Kỷ lục hố khoan nhân tạo sâu nhất thế giới được ghi nhận thuộc về siêu hố khoan Kola ở phía Tây Bắc nước Nga. Siêu hố khoan Kola là dự án khoan khoa học từ thời Liên Xô, mất 20 năm để hoàn thành và đạt độ sâu 12.262 mét. Tuy nhiên, nó hiện không còn tồn tại.
Những hố siêu sâu này thậm chí còn dài hơn đỉnh Everest vốn cao 8.800 m.
Con người đã đặt chân lên Mặt Trăng nhưng vẫn chưa khám phá được hết vùng đất sâu dưới chân chúng ta. Việc khoan sâu cho phép các nhà khoa học tìm hiểu nhiều hơn về cách Trái Đất được hình thành với lớp vỏ đóng vai trò như một dòng thời gian địa chất. Bên cạnh đó, việc khoan sâu còn được tạo động lực thương mại để khai thác nguồn dự trữ năng lượng sinh lợi tiềm tàng nằm sâu bên dưới.
Cả hai công ty tham gia vào dự án hố khoan siêu sâu của Trung Quốc đều là các tập đoàn dầu khí lớn của nhà nước. Dự án tại Bồn địa Tứ Xuyên được điều hành bởi PetroChina Southwest Oil & Gasfield - công ty con của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, một trong những công ty năng lượng nhà nước lớn nhất của nước này.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có nhu cầu năng lượng rất lớn. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố an ninh năng lượng trong tương lai là ưu tiên an ninh quốc gia.
Trung Quốc đang rất cần các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có khoáng sản và dầu mỏ. Vào tháng 1, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc Wang Guanghua đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm nguồn nguyên liệu thô và năng lượng trong nước để giảm phụ thuộc vào nước ngoài.