Theo đài Sputnik, trong một động thái hiếm hoi “quay lưng” với đồng minh Mỹ, Anh đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ICC, nhấn mạnh cơ quan pháp lý này nên được phép hoạt động công tâm và không phải sợ các lệnh trừng phạt khi điều tra về những hành động tội phạm quốc tế.
“Anh ủng hộ mạnh mẽ Tòa án Hình sự Quốc tế trong việc xử lý những tội ác quốc tế tồi tệ nhất. Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ những cải cách tích cực của tòa án, để cơ quan này hoạt động hiệu quả hết sức có thể. Các quan chức ICC nên được làm việc một cách độc lập và vô lo”, Ngoại trưởng Dominic Raab ngày 13/6 cho biết.
Trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao Đức bày tỏ quan ngại sâu sắc về kế hoạch của Mỹ trừng phạt các thành viên của ICC. Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ: “Chúng tôi rất quan ngại thông báo của Mỹ về việc cho phép Bộ Ngoại giao nước này, trong một số trường hợp, có thể bổ sung những hạn chế về thị thực cũng như trừng phạt thêm về kinh tế đối với các quan chức ICC… Chúng tôi bác bỏ mọi nỗ lực nhằm gây sức ép đối với tòa án độc lập này, các nhân viên và những người làm việc với tòa án”.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Pháp cũng kêu gọi Mỹ hủy thực hiện các biện pháp trừng phạt. Trong tuyên bố được đăng trên website của bộ, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng quyết định của Mỹ "là đòn tấn công nghiêm trọng nhằm vào ICC và các nước thành viên theo Đạo luật Rome và hơn thế nữa - điều này là một thách thức đối với chủ nghĩa đa phương và sự độc lập tư pháp".
Những tuyên bố trên được đưa ra sau khi Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/6 đã ký một sắc lệnh hành pháp cho phép sử dụng các biện pháp trừng phạt chống lại các quan chức ICC. Các biện pháp trừng phạt kinh tế bao gồm đóng băng những tài sản hoặc bất động sản trên đất Mỹ của mọi quan chức ICC tham gia hoặc hỗ trợ hoạt động điều tra hoặc truy tố binh lính Mỹ mà không được sự đồng thuận của Washington. Những người này cũng như người thân trong gia đình sẽ bị cấm tới Mỹ.
ICC bày tỏ sự đáng tiếc về “các hành động cưỡng chế và lời đe dọa” của Washington, song cam kết vẫn tiếp tục làm việc. Người phát ngôn về nhân quyền của Liên hợp quốc Rupert Colville khẳng định cần đảm bảo tính độc lập và “khả năng vận hành mà không bị can thiệp” của cơ quan này để họ có thể quyết định vấn đề mà không bị tác động, gây sức ép, đe dọa, can thiệp hoặc trực tiếp và gián tiếp, vì bất kỳ lý do nào”.
Trước đó, trong tháng 3, sau nhiều năm chuẩn bị, ICC chính thức tiến hành điều tra tội ác chiến tranh của Mỹ, do quân nhân hoặc những người khác gây ra ở Afghanistan từ năm 2003, trong đó có những lời cáo buộc tra tấn tù nhân tại các nhà tù bí mật của CIA ở Đông Âu.
Mỹ đã tìm cách ngăn chặn các nỗ lực điều tra và ban hành lệnh trừng phạt đối với cá nhân công tố viên của ICC là Fatou Bensouda, từ chối cấp cho cô thị thực nhập cảnh vào Mỹ năm 2019.
Đầu tháng 6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh rằng Washington "quyết tâm ngăn chặn" ICC bám đuổi Mỹ và “những người bạn ở Israel và ở những nơi khác”. Ngày 11/6, kênh truyền hình Channel 13 của Israel đã đưa tin Tel Aviv và Washington phối hợp hành động để trừng phạt ICC. Ngoài Mỹ, ICC có một cuộc điều tra riêng đối với Israel về những tội ác Israel gây ra ở "vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng kể từ ngày 13/6/2014”.