Đồng rúp (ruble) đã tăng vọt trên Sàn giao dịch Moscow hôm 20/6, đạt mức cao mới trong nhiều năm so với đô la Mỹ. Đà tăng này diễn ra bất chấp đề xuất của Ngân hàng Trung ương hồi tuần trước nhằm hủy bỏ các biện pháp kiểm soát vốn từng hỗ trợ loại tiền tệ đối phó với các lệnh trừng phạt quốc tế.
Trong một khoảng thời gian ngắn ngày 20/6, tỷ giá đồng nội tệ của Nga đã được hoán đổi bằng 55,44 rúp trên 1 USD - mức mạnh nhất kể từ tháng 6/2015 và giảm nhẹ sau đó. Đồng rúp cũng được giao dịch ở ngưỡng 58 rúp đổi lấy 1 euro, gần với mức cao nhất trong 7 năm.
Các nhà kinh tế cho biết sau khi bị mất giá kỷ lục vào đầu tháng 3 do áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, đồng tiền này đã phục hồi nhờ sự hỗ trợ của các biện pháp kiểm soát vốn của chính phủ Nga. Tuy nhiên, tuần trước, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nga đã kêu gọi dỡ bỏ hầu hết các biện pháp kiểm soát trên.
Chính phủ Nga cho rằng đồng rúp đang quá mạnh tại thời điểm này. Một số quan chức cho rằng nên làm suy yếu đồng tiền này xuống còn từ 70 - 80 rúp/USD. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương và Văn phòng Kiểm toán Nga đều lên tiếng phản đối những biện pháp can thiệp tiền tệ và ủng hộ chính sách điều tiết tỷ lệ lạm phát hiện tại.
Đầu tháng này, Ngân hàng Trung ương đã giảm lãi suất chủ chốt xuống mức trước khủng hoảng là 9,5%, đồng thời lưu ý rằng rủi ro lạm phát ở Nga tiếp tục giảm bớt. Tỷ lệ này đã được tăng lên 20% sau khi Nga phải hứng chịu một loạt các lệnh trừng phạt của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh vào cuối tháng 2, liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Sự phục hồi nhanh chóng của đồng rúp một phần được cho là do giá năng lượng tăng cao trên thị trường quốc tế, cũng như yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp đối với các quốc gia “không thân thiện”.