Theo Reuters, đồng nội tệ Nga đã giảm giá mạnh trong phiên giao dịch hỗn loạn ngày 11/4, sau khi Ngân hàng trung ương Nga quyết định nới lỏng các biện pháp kiểm soát vốn tạm thời nhằm hạn chế sự sụt giảm của đồng tiền này.
Vào cuối ngày 9/4, Ngân hàng trung ương Nga cho biết họ sẽ bãi bỏ 12% hoa hồng cho việc mua ngoại tệ thông qua môi giới từ ngày 11/4 và dỡ bỏ lệnh cấm tạm thời bán tiền mặt ngoại hối cho các cá nhân kể từ 18/4.
Trong phiên giao dịch mở cửa thị trường đầu tuần ở Moskva, đồng rúp đã giảm xuống 82,08 rúp/ 1 USD, từ 71 rúp/ USD – mức giá mạnh nhất kể từ tháng 11/2021 vào ngày 9/4.
Lúc 7 giờ 27 GMT, đồng rúp giảm giá gần 5% đối với đô-la Mỹ và giảm 4,3% so với đồng euro, giao dịch mức 86,35 rúp/1 euro.
Hãng môi giới Alor Brokerage cho biết, quyết định loại bỏ 12% hoa hồng đối với các hoạt động ngoại hối có nghĩa là các nhà đầu cơ sẽ có thể giao dịch trở lại, đồng thời cho biết thêm rằng những người tham gia thị trường đang có xu hướng chốt lợi nhuận kể cả nhỏ.
Đồng rúp vẫn được hỗ trợ từ việc chuyển đổi bắt buộc 80% doanh thu ngoại hối của các công ty xuất khẩu Nga cũng như từ lãi suất cao, mặc dù ngân hàng trung ương Nga đã bất ngờ cắt giảm lãi suất cơ bản từ 20% xuống 17% vào tuần trước.
Các nhà phân tích của ITI Capital cho biết Nga nhận được khoảng 1,4 tỷ USD mỗi ngày về doanh thu xuất khẩu và đồng rúp có thể tăng giá hơn nữa, do sự kiểm soát vốn của Nga và nhập khẩu thu hẹp.
Việc cắt giảm của ngân hàng trung ương đã hỗ trợ trái phiếu chính phủ của Nga. Bộ Tài chính Nga cho biết vào cuối tuần rằng họ sẽ không vay nợ trên thị trường nợ trong nước hoặc nước ngoài trong năm nay.
Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cũng nói rằng Nga sẽ có hành động pháp lý nếu phương Tây cố gắng buộc nước này vỡ nợ.
Lợi tức của trái phiếu OFZ (trái phiếu nợ liên bang) kỳ hạn 10 năm, vốn biến động nghịch với giá của chúng, đã giảm xuống 10,62% vào ngày 11/4. Đây là mức thấp nhất kể từ 22/2, hai ngày trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, dẫn đến các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây.
Trong những ngày sau khi triển khai chiến dịch đặc biệt tại Ukraine, Nga đã hứng chịu một loạt tổn thất kinh tế, trong đó đáng chú ý nhất là đồng rúp lao dốc. Có thời điểm vào đầu tháng 3, đồng rúp đã giảm hơn 1/3 giá trị.
Tuy nhiên, kể từ đó đồng nội tệ Nga đã phục hồi đáng kinh ngạc và đang được giao dịch quanh mức trước ngày 24/2. Sự phục hồi này là nhờ vị thế tài chính vững chắc hơn mà Nga có được nhờ doanh thu từ xuất khẩu dầu khí vẫn tăng đều và sự sụt giảm mạnh kim ngạch nhập khẩu. Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng những yếu tố khác góp phần vào kết quả đồng rúp bật tăng lại là nhờ sự can thiệp của Ngân hàng trung ương Nga thông qua các biện pháp kiểm soát vốn.