Theo đài RT (Nga), đồng rúp đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2020 so với đồng tiền chung châu Âu, sau khi Ngân hàng Trung ương Nga cắt giảm lãi suất.
Ngày 29/4, đồng rúp đạt mức trên 74 rúp – 1 euro và đang hướng tới mốc 70 rúp – 1 USD trong giao dịch tại Moskva.
Trước đó trong ngày, Ngân hàng trung ương Nga đã cắt giảm lãi suất cơ bản từ 17% xuống 14% trong nỗ lực mới nhất nhằm thúc đẩy cho vay trong nền kinh tế bị các lệnh trừng phạt bủa vây. Mức lãi suất mới sẽ được áp dụng từ ngày 4/5 tới. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Ngân hàng trung ương Nga đánh giá những nguy cơ về giá cả leo thang, cũng như những bất ổn tài chính sẽ không còn tiếp tục gia tăng.
Ngoài ra, việc đồng rúp tăng giá có thể là do sự sụt giảm của đồng tiền chung châu Âu sau khi đã chứng kiến một đợt bán tháo lớn trong tuần này. Đồng euro hiện đang dao động quanh mức thấp nhất trong 5 năm so với đồng đô-la Mỹ với những lo ngại về triển vọng tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung khi tác động của xung đột Nga-Ukraine bắt đầu lan rộng.
Các biến động trên thị trường Nga chịu ảnh hưởng bởi đồng rúp đang được hỗ trợ bởi các biện pháp kiểm soát vốn của chính phủ. Trong khi đó, chứng khoán được giao dịch với lệnh cấm bán khống và các công ty nước ngoài bị cấm chuyển nhượng cổ phần trong các công ty Nga mà không được phép.
Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Alexei Zabotkin cho biết Nga sẽ từng bước loại bỏ các biện pháp kiểm soát vốn khi rủi ro đối với sự ổn định tài chính giảm dần.
Đồng rúp đã tăng giá trong vài ngày qua khi các công ty xuất khẩu bán doanh thu ngoại hối của họ để đáp ứng các khoản nợ trong nước có thể vượt quá 3 nghìn tỷ rúp (43 tỷ USD) trong tháng này, theo các nhà phân tích được khảo sát bởi Reuters.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, đồng rúp nhanh chóng giảm xuống mức thấp lịch sử trong bối cảnh các lệnh trừng phạt được áp dụng nhằm vào Moskva. Vào đầu tháng 3, đồng rúp giảm xuống mức thấp nhất là 150 rúp – 1 USD, nhưng kể từ đó đã tăng gần gấp đôi giá trị.
Trước đó, đồng euro đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 5 năm so với đô-la Mỹ trong phiên giao dịch ngày 27/4, trong bối cảnh lo ngại tăng cao về một cuộc khủng hoảng năng lượng có thể xảy ra và suy thoái kinh tế ở châu Âu.
Tỷ giá hối đoái euro / USD đã giảm xuống 1.061 USD/ euro so với mức đóng cửa trước đó là 1,0636 euro/ USD. Trước đó trong ngày, chỉ số này đã giảm xuống 1,0586 USD/euro, lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 1,06 USD/ euro kể từ tháng 4/2017.
Đồng euro suy yếu thêm sau khi tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria vì hai nước từ chối thanh toán bằng đồng rúp.
Vào tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng các khoản thanh toán khí đốt nhập khẩu từ Nga của Liên minh châu Âu và các quốc gia khác đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, sẽ được thực hiện bằng đồng nội tệ Nga. Nga cũng thực hiện các giao dịch thương mại bằng đồng nội tệ song phương với các đối tác lớn như Trung Quốc, Ấn Độ. Đây những là biện pháp quan trọng giúp đồng rúp phục hồi so với các ngoại tệ mạnh của phương Tây.