Thông tin trên được đưa ra trong cuộc Khảo sát về Chi phí sinh hoạt hàng năm do công ty tư vấn Mercer (Mỹ) thực hiện. Mercer thực hiện khảo sát này trong bối cảnh thế giới trải qua năm thứ ba của đại dịch COVID-19, chịu tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, biến động tỷ giá hối đoái và lạm phát tăng cao gây ra sức ép đối với hoạt động chi trả và khoản tiết kiệm của người dân trên toàn thế giới.
Theo kết quả khảo sát năm nay, Hong Kong (Trung Quốc) trở lại đứng đầu danh sách các thành phố đắt nhất thế giới, sau khi nhường vị trí cho thủ đô Ashgabat của Turkmenistan vào năm 2021. Trước đây, Hong Kong được mệnh danh là thành phố đắt đỏ nhất thế giới trong ba năm liên tiếp tính đến năm 2020.
Các thành phố châu Á chiếm 4 trong số 10 thành phố hàng đầu, với Singapore, Tokyo và Bắc Kinh chiếm vị trí từ 8 đến 10.
Trong một bảng xếp hạng riêng biệt Top 10 thành phố đắt đỏ nhất châu Á, các thành phố của Trung Quốc chiếm tới sáu vị trí. Mercer cho rằng việc đồng nhân dân tệ mạnh lên khiến chi phí sinh hoạt ở nước này đắt đỏ hơn.
Ngược lại, việc các thành phố của Nhật Bản và Hàn Quốc có mức chi phí “dễ thở hơn” chủ yếu vì đồng nội tệ của họ yếu đi.
Đối với phần còn lại của Top 10 quốc tế, các thành phố Zurich, Geneva, Basel và Bern của Thụy Sỹ lần lượt chiếm vị trí từ thứ hai đến thứ năm. Đây cũng là những đại diện duy nhất của châu Âu trong nhóm đầu. Tel Aviv của Israel và New York của Mỹ lần lượt đứng ở vị trí thứ sáu và thứ bảy.
Cuộc khảo sát hàng năm của Mercer xếp hạng 227 thành phố bằng cách đánh giá chi phí có thể so sánh của 200 hạng mục, bao gồm nhà ở, giao thông, thực phẩm và giải trí. Thành phố New York được sử dụng làm cơ sở so sánh và biến động tiền tệ được đo lường theo đồng USD.