Dựa vào các quan sát, phân tích về xu hướng thời tiết trong những năm gần đây khi Trái Đất trải qua nhiều năm có nhiệt độ trung bình cao hơn 1 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, cơ quan dự báo trên cho rằng xu hướng nhiệt độ tăng có thể sẽ tiếp tục vào năm 2020, trừ khi xảy ra các hiện tượng không thể dự báo như một đợt núi lửa phun trào, có tác dụng làm mát (thành phần chính của núi lửa là hơi nước - H2O) nhờ bụi nước bắn vào khí quyển.
Tuy nhiên, năm 2020 cũng chưa thể dự báo về quy luật nóng lên tự nhiên, vì đến nay không có dự báo nào về El Nino, hiện tượng thời tiết ở Thái Bình Dương làm thay đổi dòng hải lưu, có thể khiến nhiệt độ tăng cao bất thường, giống như từng xảy ra năm 1998. Trong nhiều năm, những tranh cãi về El Nino đã gây ra những tuyên bố sai lầm từ một số nhà khoa học cho rằng sự ấm lên toàn cầu đã không xảy ra.
Cho đến nay, năm nóng nhất được ghi nhận vẫn là năm 2016, khi hiệu ứng hiện tượng thời tiết El Nino xảy ra và kể từ những năm sau đó, nhiệt độ chỉ gần mức kỷ lục.
Theo Giáo sư Adam Scaife, người đứng đầu bộ phận dự báo tương lai khí hậu của Tổ chức Khí tượng thế giới, hiện tượng tự nhiên như sự nóng lên do El Nino gây ra ở Thái Bình Dương được xem là nguyên nhân tác động đến hệ thống khí hậu. Nhưng khi không có El Nino, dự báo này đưa ra một bức tranh rõ ràng về yếu tố lớn nhất khiến nhiệt độ gia tăng, đó là khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Nếu dự báo trên là chính xác, thế giới thậm chí sẽ đến gần hơn với "thảm họa" của khí hậu trong năm 2020. Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng sự nóng lên hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp sẽ tác động thảm hại đến khí hậu thế giới. Nếu như năm đầu tiên nhiệt độ được ghi nhận là cao hơn 1 độ C so với mức trung bình từ năm 1850 - 1900 là năm 2015, thì tốc độ này hiện đang thay đổi chóng mặt. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra, chúng ta có thể "vượt mức tăng hạn chế" 1,5 độ C đặt ra trong vòng 2 thập kỷ tới.
Theo số liệu thống kê mới nhất, phát thải khí nhà kính ít có dấu hiệu giảm. Nghiên cứu được công bố tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc diễn ra đầu tháng này tại Tây Ban Nha cho thấy lượng khí thải carbon hằng năm hiện cao hơn 4% so với năm 2015, thời điểm các nước ký kết Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu.
Với phương pháp dự báo tương tự như đã đưa ra trong năm 2019, các nhà quan sát dự báo rằng năm 2020, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng khoảng 0,99 độ C đến 1,23 độ C. Như vậy, mức tăng trung bình ước tính là 1,11 độ C. Ngoài ra, nhiệt độ tăng không đồng đều trên toàn cầu, với sự ấm lên ở Bắc cực nhanh hơn nhiều so với mức trung bình, băng ở Greenland đang tan với tốc độ nhanh gấp 7 lần so với thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước.