Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, điều đó có nghĩa là nền kinh tế thế giới sẽ mất nhiều thời gian để chạm đáy, sau đó hồi phục với tốc độ chậm nhưng chắc chắn. Các nhà hoạch định chính sách dự báo nền kinh tế thế giới sẽ có sự sụt giảm mạnh, sau đó là quá trình phục hồi chậm chạp và đau đớn, với nhiều nền kinh tế phương Tây bao gồm cả Mỹ và châu Âu, sẽ không thể quay trở lại mức sản lượng như năm 2019 cho tới cuối năm tới hoặc thậm chí lâu hơn.
Quan điểm mới nghiêm túc này phản ánh chiều sâu tác động dịch bệnh đối với nền kinh tế cùng như nhiều bằng chứng cho thấy tình trạng thất nghiệp tăng vọt và việc giãn cách xã hội kéo dài nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm, đặc biệt ở các nước phương Tây, sẽ gây suy giảm các hoạt động kinh tế vào năm tới.
Ông Mark Schneider, Giám đốc điều hành hãng Nestle SA - nhà sản xuất thực phẩm đóng gói lớn nhất thế giới, nói rằng: “Sẽ không thể có sự phục hồi nhanh chóng. Đây sẽ là quá trình kéo dài vài quý, nếu không nói là vài năm”.
Các hãng hàng không sẽ không thể hy vọng lượng hành khách quay trở lại mức như thời kỳ trước khi dịch COVID-19 bùng phát và phải đợi sớm nhất là tới năm 2022. Giãn cách xã hội sẽ khiến mọi người hạn chế đi xem phim, ăn uống nhà hàng hoặc ghé các thẩm mỹ viện cho đến khi vaccine được phát triển…
Theo một cuộc khảo sát do hãng nghiên cứu thị trường Coresight Research tiến hành, hơn 70% người dân Mỹ cho biết sẽ tránh một số khu công cộng sau khi lệnh phong tỏa được nới lỏng. Hơn một nửa số người được hỏi nói rằng họ sẽ không đến các khu mua sắm và khoảng 30% số người cho biết họ sẽ thực hiện giãn cách hơn sáu tháng.
Khả năng xảy ra làn sóng thứ hai của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 vào mùa Thu hoặc mùa Đông tới khiến cho nhiều nhà phân tích lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế, mà sẽ khiến cho ngay cả quá trình phục hồi mô hình “Swoosh” cũng sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Trong khi đó, ngày 11/5, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics cho rằng việc các tiểu bang của Mỹ vội vàng mở cửa trở lại nền kinh tế trong khi dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn ra sẽ phản tác dụng nếu như có sự gia tăng đáng kể hoặc có “làn sóng thứ hai” các ca lây nhiễm virus SARS-COV-2 mới.
Trong một cảnh báo kinh tế đối với các thống đốc bang của Mỹ đang cố gắng mở cửa trở lại nền kinh tế, chuyên gia kinh tế Mark Zandi cho biết: “Nếu chúng ta có làn sóng thứ hai, thì sẽ có một cuộc suy thoái. Chúng ta sẽ không thể đóng cửa một lần nữa, nhưng chắc chắn nó sẽ khiến mọi người sợ hãi và tạo gánh nặng cho nền kinh tế”.
Theo định nghĩa của ông Zandi, suy thoái là khi Mỹ sẽ có tỷ lệ thất nghiệp hai con số trong khoảng thời gian là 12 tháng hoặc nhiều hơn. Theo thông báo của Bộ Lao động Mỹ ngày 8/5, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã lên tới 14,7% trong tháng Tư, tăng mạnh từ tỷ lệ 4,4% trong tháng Ba.
Nhà kinh tế Zandi cũng nhấn mạnh rằng nếu không có đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 thứ hai, việc làm sẽ bắt đầu hồi phục vào tuần lễ Memorial Day (Ngày Tưởng niệm), bắt đầu từ ngày 23/5. Ngay sau đó, thị trường sẽ chứng kiến mức tăng trưởng trong mùa Hè và vào đầu mùa Thu. Tuy nhiên, Mỹ cũng sẽ gặp khó khăn do sự không ổn định do virus SARS-COV-2 gây ra cũng như tác động đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Theo nhà kinh tế này, dù kết quả thế nào, việc phát triển một loại vaccine chống lại virus này mới là điều quan trọng nhất và đây là điều kiện cần thiết để nền kinh tế phục hồi hoàn toàn.
Theo tờ New York Times, tính tới ngày 11/5, chỉ còn 15 tiểu bang tại Mỹ vẫn phong tỏa hoặc duy trì các hạn chế về giãn cách xã hội cùng mệnh lệnh ở nhà, trong khi 35 tiểu bang còn lại đã mở cửa một phần hoặc đã công bố các biện pháp mở cửa trở lại sẽ bắt đầu trong những tuần tới.